Puskin, truyện thơ
NGÔI NHÀ Ở COLOMNA
Truyện thơ
1
Các kiểu thơ bốn chân tôi đã ngấy,
Vì ai ai cũng viết kiểu thơ này.
Hãy nhường nó cho trẻ con - vì vậy,
Tự lâu rồi, và chính cả hôm nay
Tôi muốn viết thơ tám câu bóng bẩy,
Chỉ ba vần - mà có thể viết hay -
Hai vần chính sẽ tự mình xuất hiện
Rồi kéo luôn cả vần sau cùng đến.
2
Hỡi vần nữ, hỡi vần nam, chú ý!
Hãy lắng nghe, ta thử chút xem nào.
Hãy đứng thẳng, giơ cao chân chuẩn bị
Cùng bước đều vào Octav xem sao.
Cứ thoải mái, đừng lo và đừng nghĩ.
Tôi là người khó tính, thích làm cao.
Cùng khó đấy, nhưng rồi quen, chắc chắn
Ta sẽ ra được đường to và nhẵn.
5
Thật là thích khi viết thơ đánh số,
Cứ tám câu một nhóm đứng thành hàng.
Ta bắt chúng không được rời khỏi chỗ
Như lính tồi nghe súng, chạy tan hoang.
Và mỗi chữ, mỗi câu trong cả khổ
Là anh hùng, là chiến sĩ vinh quang.
Còn nhà thơ... Ví cùng ai được nhỉ?
Với Napôlêông, thưa các vị.
9
ấy nàng thơ, hãy ngồi yên, gượm đã,
Cho tay chân được nghỉ. Thế! Bắt đầu!
Xưa, ngày xưa có một bà vợ góa
Với một người con gái sống cùng nhau.
Nhà của họ thường thôi, nhưng cũng khá,
Cạnh nhà thờ Pôcrốp, phía đắng sau.
Tôi còn nhớ như mới nhìn, rất rõ:
Nhà có gác, cầu thang, ba cửa sổ.
10
Cùng anh bạn, tôi đã đi đến đó
Mới gần đây, cách độ khoảng ba ngày,
Nhưng chỉ thấy trên nền nhà của họ
Một ngôi nhà ba tầng lớn vừa xây.
Tôi lại nhớ một thời bên cửa sổ
Họ thường ngồi tư lự, thế mà nay...
Tôi còn nhớ những ngày tôi hẵng trẻ,
Và tự hỏi: Họ chết rồi? Không lẽ?
11
Không hiểu sao bỗng rất buồn, lúc ấy
Tôi ngước lên, hằn học ngắm ngôi nhà.
Nếu bất chợt nó bùng lên bốc cháy
Thì không chừng tôi vui thích - chúng
ta
Không ít lúc thường lạ lùng như vậy,
Rất, rất nhiều những ý nghĩ bâng quơ
Và nhảm nhí đến cùng ta tản mạn
Khi ta dạo một mình hay với bạn,
12
Những lúc ấy, thông minh và hạnh phúc
Là những ai biết giữ kín trong đầu
Các ý nghĩ, và biết kìm đúng lúc.
Nén trong lòng cơn giận dữ, buồn đau.
Còn những ai lắm lời, không nhẫn nhục,
Sẽ bị đời chê là ác, thâm sâu...
Thôi, buồn quá, ta đổi đề, các bạn,
Bác sĩ cấm không cho tôi buồn chán!
13
Bà già góa (hàng trăm lần tôi thấy)
Rembrant trong tác phẩm của mình
Thường vẽ đúng những bà già như vậy)
Đội mũ nồi, mang cặp kính thông minh.
Còn cô gái thì lông mày đen nháy,
Da trắng ngần, lại mịn, đến là xinh.
Về thẩm mĩ, cô là người không ngốc -
Cả tác phẩm Emin cô cũng đọc.
14
Nàng còn biết chơi ghi ta và hát
Bài Con chim bồ câu khóc hay là
Bài Tôi đi ra bờ sông rượi mát...
Nghĩa là gì mà cô gái nước Nga
Bên lò sưởi những chiều đông nhợt nhạt
Những ngày hè bên ấm Xamôva
Thường vẫn hát, và hát buồn không ít
Như nàng thơ chúng ta luôn xạm xịt.
15
Vừa nghĩa bóng, vừa nghĩa đen - tất cả
Từ nhà thơ lớn nhất đến bà già
Hay xà ích - ta hát nghe buồn quá.
Bài hát buồn là bài hát nước Nga.
Hát khi cưới, khi có tang, thật lạ,
Ta đều buồn như thơ phú chúng ta.
Các cô gái thường hát quen rầu rĩ,
Nhưng mà nghe cũng hay và ý nhị.
16
Parasa (tên của nàng như thế)
Biết nấu ăn, giặt giũ - chẳng sót gì.
Và cai quản cả ngôi nhà thay mẹ,
Cũng chính nàng ghi chép việc thu chi.
Cả nấu cháo, một việc làm không dễ
Cũng do nàng... Nhưng việc ấy nhiều khi
Được đầu bếp Phêcla đảm nhận -
Một bà lão nặng tai và ngớ ngẩn.
17
Bà già góa thường ngồi bên cửa sổ
Vá rồi may, rồi đan tất suốt ngày,
Và tối đến, bên chiếc bàn bé nhỏ
Bà giở bài ra bói để cầu may.
Trong khi đấy thì cô con nghiêng ngó
Lúc thì nhìn ra cửa, lúc vườn cây,
Để bất kì ai đi ngang, nhất nhất
Nàng đều thấy - mắt nàng tinh ghê thật!
18
Cửa đóng sớm những ngày đông buồn tẻ,
Nhưng mở toang đến sáng những ngày hè.
Còn trên cao, mặt trăng vàng lặng lẽ
Ngắm nhìn nàng tư lự giữa đêm khuya.
(Các tiểu thuyết xưa và nay đều thế)
Thiếu cảnh này là sẽ bị cười chê.
Không ít khi mẹ đang nằm ốm nặng,
Nàng vẫn ngồi nhìn trăng trong đêm
vắng.
20
Trong cả năm, vào những hôm chủ nhật
Hai mẹ con cùng đi lễ suốt ngày,
Thường dừng lại trước đám đông lớn nhất
ở nhà thờ Pôcrốp. Ngày nay
Tôi đã xa chỗ này, nhưng thú thật,
Dẫu trong đầu, vẫn thích hướng về đây,
Về Pôcrốp, Côlômna - ở đó
Xem người Nga thờ chúa trời của họ.
25
Một chuỗi hạt bằng nhựa thông trên cổ,
Tóc buông xuôi thành những món xoăn
dài,
Chiếc khăn lụa thắt đằng sau ngồ ngộ,
Chiếc lược sừng giản dị dắt bên tai -
Chỉ có thế, nhưng ngồi bên cửa sổ
Con gái bà, trang điểm chẳng bằng ai,
Thế mà bắt được khối anh lính kị
Khi đi ngang phải quay đầu chú ý.
26
Nàng đã chọn ai chưa trong số ấy,
Hay với ai nàng cũng vẫn lạnh lùng?
Tôi không biết, mà rồi sau sẽ thấy,
Giờ thì nàng chưa nghĩ đến. Nói chung
Nàng không thèm cả Paris lộng lẫy,
Không hội hè, không muốn cả hoàng
cung
(Dù nàng có Vêra, bà chị họ
Vợ của quan Hoff-Furier ở đó).
27
Nhưng giữa cảnh yên vui kia không biết
Bỗng từ đâu tai họa ập xuống nhà:
Bà đầu bếp tắm hơi xong, kêu mệt,
Và mặc dù được chạy chữa, bà ta
Đúng vào ngày Đức Chúa sinh thì chết.
Rồi mọi người khóc tiễn biệt Phêcla.
Cũng hôm ấy, thi hài bà cao quí
Được đưa đến Ôkhơta yên nghỉ.
28
Thương bà nhất và khóc to, phải nói
Là Vaxca, con mèo quí trong nhà.
Còn bà góa, sau tang gia bối rối,
Nghĩ vài ngày còn tự nấu qua loa.
Thiếu đầu bếp lâu hơn không sống nổi,
Nên vội vàng bà gọi:
"Parasa!"
"Dạ, có con". "Mày hỏi
tìm cho mẹ
Con đầu bếp, mà giá thuê thật rẻ!"
29
Parasa đáp: "Vâng", rồi biến
mất.
Đang mùa đông lúc ấy, rét run người.
Tuyết tơi nhẹ, trời đầy sao tím ngắt,
Băng đóng dày đang lấp lánh khắp nơi.
Bà gìa góa ngồi chờ con, ngủ gật,
Khi con về thì đã muộn, than ôi.
Parasa đến bên bà nói khẽ:
"Đây, con kiếm được cô này, thưa
mẹ".
30
Một cô gái bước theo nàng ngượng ngập
Rồi đứng im len lét tận góc phòng.
Cũng kha khá, thuộc loại người không
thấp,
Luôn cúi đầu, không dám ngước lên
trông.
Cô ta đứng, tay mân mê nếp gấp
Chiếc tạp dề... "Thế còn chuyện
tiền công?"
Bà góa hỏi. "Con thì sao cũng
được".
Cô ta nói rồi đứng im như trước.
31
Bà rất thích câu trả lời như thế.
"Vậy xưa nay tên con gọi là
gì?"
"Mavra". "Mavra, con
hẵng trẻ,
Gặp thằng nào là phải lánh xa đi.
Phêcla đến mười năm có lẻ
Chưa bao giờ bị mang tiếng, tình nghi.
Lo mà giúp mẹ con ta cho khéo,
Chứ định giở các trò gian thì
liệu!"
32
Một, hai ngày trôi qua - cô giúp việc
Không hiểu sao rất vô ý, vụng về:
Khi thì vỡ bát ăn, khi thật tiếc,
Nấu món gì không quá mặn hay khê.
Kim thì chẳng biết cầm, như giả điếc,
Ai nói gì cũng chỉ biết ngồi nghe.
Parasa mắng luôn mồm, ấy vậy
Cô cũng chẳng giỏi giang thêm là mấy.
33
Một sáng nọ hai mẹ con đi lễ. -
Như mọi khi vào ngày chủ nhật. ở nhà
Chỉ một mình Mavra, bởi lẽ
Mấy răng hàm đau nhức nhối - cô ta
Thêm vào đó, nói rằng cần mài quế
Để còn làm ít bánh mật, bánh đa.
Vâng, đi lễ... Bài kinh đang đọc dở.
Bỗng bà lão thấy bồn chồn lo sợ..
34
Bà nghĩ bụng: "Con Mavra ngu dại
Sao bỗng dưng thích bánh ngọt thế này?
Hay có thể nó khôn ngoan, tinh quái
Đang giở trò định ăn cắp gì đây,
Rồi bỏ trốn? Chỉ toàn đồ ăn hại!
Tưởng là người tử tế. Đến là
gay!.."
Suy nghĩ thế, cuối cùng không chịu nổi,
Bà già góa quay sang con và nói:
35
"Parasa, mẹ bỗng nhiên khó thở.
Con ngồi đây, mẹ muốn chạy về
nhà".
Cô con gái còn ngạc nhiên. Vô cớ,
Bà mẹ nàng đã vội vã đi ra,
Đi như chạy, lòng băn khoăn lo sợ.
Nhưng tới nhà, bà chẳng thấy Mavra.
Tìm trong bếp cũng không. Bà vội vã
Vào phòng ngủ thì ôi, ôi - sợ quá!
36
Cô đầu bếp ngồi trước gương lúc ấy
Đang cạo râu không một chút vụng về.
Còn bà góa thì sao, khi thấy vậy?
Bà ôm đầu kêu "ối, ối!" Cô
kia
Với hai má bôi xà phòng, đứng dậy
Liền vội vàng (thật là láo, láo ghê!)
Nhảy qua đầu chủ cô, tay ôm mặt
Lao ra cửa, ra sân rồi biến mất.
37
Parasa về nhà sau buổi lễ.
"Sao mẹ trông hốt hoảng?"
"ối, lạy trời!
Mavra... con Mavra...". "Gì
thế?'
"Nó vừa làm tao sợ, mệt đứt hơi.
Nó cạo râu! Bôi xà phòng!"
"Thưa mẹ,
Con hoàn toàn không hiểu, mẹ đùa chơi?
Nó ở đâu?" “Có trời mà biết được!
Vâng, cạo râu!... Như cha con ngày
trước!"
38
Parasa có ngượng ngùng đỏ mặt
Hay dửng dưng? Hay có thể thông đồng?
Tôi chỉ biết: Mavra biến mất
Mà không đòi một xu nhỏ tiền công,
Chưa kịp gây những điều ghê gớm nhất
Cho hai người? Ai được mướn làm công
Để thay thế Mavra? Tôi chẳng biết.
Thơ của tôi đến đây xin chấm hết.
39
"Sao, chấm hết? Chỉ vậy ư?" Chỉ
vậy.
Thơ tám câu là như thế. "Hồi nào
Sao anh nói, anh bốc lên nhường ấy,
Rằng anh hùng, rằng chiến sĩ, gươm đao?
Anh chọn chuyện bắt người nghe khá đấy.
Không còn gì để nói nữa hay sao?
Thơ của anh có dạy đời không nhỉ?"
Không ... mà có. Xin chờ cho một tí.
40
Đây, bài học: Theo tôi đừng hám rẻ
Mà đi thuê đầu bếp loại ngu đần.
Ai trời cho làm đàn ông có lẽ
Đừng giả làm phụ nữ, vạ vào thân.
Vì đàn ông cần cạo râu, đã thế
Cạo hàng ngày như cần uống, cần ăn,
Nên dễ lộ... Cái moral chỉ vậy.
Có đốt đuốc mà tìm thêm chẳng thấy.
BÁ TƯỚC NULIN
Truyện thơ
Nào, xuất phát, tiếng tù và dục giã,
Cánh phường săn áo mũ sẵn sàng,
Trời chưa sáng đã ngồi trên lưng ngựa,
Bầy chó chờ, sốt ruột sủa vang.
Kia, ông chủ đang bước ra, đưa mắt
Nhìn xung quanh một lượt rất hài lòng.
Ông ưỡn bụng, vung tay, qua nét mặt
Tỏ ra mình rất quan trọng. Người ông
Mặc chiếc áo sécmen nom rất bảnh,
Chiếc dao nhọn cài thắt lưng; bên cạnh
Là bình rum; và một chiếc tù và
Treo dây đồng ngay trước ngực ông ta.
Còn bà vợ thì hẵng đang ngái ngủ,
Quàng chiếc khăn mỏng dính, dáng bần
thần,
Từ cửa sổ, không lấy gì thích thú,
Nhìn đám người đang hăm hở đi săn.
Nhưng kia, ngựa được người hầu dẫn tới,
Nhảy lên yên ngồi chêm chệ, chồng bà
Liền bảo vợ: Tôi đi, không phải đợi!
Rồi cả đoàn, người và chó đi ra.
Vào những ngày cuối cùng trong tháng
Chín
(Theo cách nói của văn xuôi thấp hèn)
ở nông thôn thật buồn, mây xám xỉn,
Đường ngập đầy tuyết bẩn; ở rừng bên
Là tiếng sói đang hú vang... ấy ấy,
Người đi săn lại thầm mong được vậy.
Anh ta săn không biết mệt, suốt ngày
Phi ngoài đồng, ăn ngủ giữa rừng cây,
Rồi uống rượu, rồi nắng mưa, cáu bẩn...
Mà tất cả vì cuộc vui hấp dẫn.
Nhưng bà vợ của ông ta thế liệu
Chồng đi săn ở lại biết làm gì?
Làm gì ư? Xin đừng lo - không thiếu:
Chăn đàn gà, muối nấm hoặc nhiều khi
Nhắc đầy tớ nấu ăn trưa và tối,
Hay kiểm tra hầm rượu hoặc khu vườn.
Mắt bà chủ đâu cũng cần - phải nói
Nhìn cái gì cũng có việc làm luôn.
Nhưng nhân vật của chúng ta ... (ừ nhỉ,
Tôi lại quên đặt tên họ cho bà.
Chồng thì gọi Natasa yêu quí.
Còn ta thì đơn giản: Natasa,
Hay Natalia Paplôvna cũng được).
Vâng, nhân vật chúng ta, xin nói trước
Tiếc là không, không biết một chút nào
Các việc nhà rất phức tạp. Vì sao?
Vì lớn lên nàng được nuôi ăn học
Không phải theo như thông lệ nước mình,
Mà lại ở một trường tư quí tộc
Với một bà kèm cặp rất thông minh
Có tên gọi Falbala, người Pháp.
Bên cửa sổ nàng đang ngồi mệt mỏi
Đọc tập năm tiểu thuyết Mối tình đầu
Của Arman và Eliza, còn gọi
Là “Thư từ trong hai họ với nhau”.
Tiểu thuyết ấy thuộc dòng văn tình cảm
Rất trang nghiêm, đặc biệt rất, rất
dài,
Đầy giáo huấn, đầy những trang u ám,
Tuy chẳng gì là lãng mạn, bi ai...
Nàng lúc đầu còn ngồi yên, cứ thế
Đọc từng trang rất chăm chú, dần dần
Thành lơ đãng, và cuối cùng lặng lẽ
Nhìn ra ngoài cửa sổ, phía rìa sân.
Có con chó trêu con dê ngỗ nghịch.
Trẻ đứng quanh luôn hò reo vui thích.
Còn gần hơn, sát cửa sổ lúc này
Dáng buồn rầu, bất lực, đám gà tây
Cũng định gáy, cũng giơ cao đôi cánh
Như chú gà ướt lông đang đứng cạnh.
Giữa vũng nước ba con vịt đùa nhau.
Một bà lão đi qua sân ngước đầu
Phơi quần áo vắt ngang qua bờ dậu.
Cảnh không vui, thế mà trời lại xấu.
Tuyết sắp rơi... hình như thế, bỗng
nhiên
Có tiếng chuông xe ngựa vang lên.
Ai sống lâu vùng nông thôn hẻo lánh
Sẽ có ngay một phát hiện - đó là
Không ít khi tiếng xe kêu lanh lảnh
Cũng đủ làm xao xuyến trái tim ta.
Ôi lạy chúa, ai kia? Ta tự hỏi,
Bạn bè ư một thời trẻ lâu rồi?
Tim rộn rã một niềm vui khó nói.
Ta mừng thầm, nhưng sau đó, than ôi
Xe rẽ ngang và tiếng xe lọc cọc
Nghe bé dần, rồi lặng im sau dốc.
Natalia Paplôvna lúc ấy
Nghe tiếng chuông sung sướng chạy ra
liền,
Từ ban công nàng nhìn ra và thấy
Sau mé rừng, cỗ xe ngựa đi lên
Từ phía sông, bên cối xay chậm rãi
Đang lắc lư, mỏi mệt vượt qua cầu.
A, tới đây! Hình như không! Rẽ trái...
Và nàng nhìn như muốn khóc hồi lâu.
Nhưng bất chợt - hoan hô, xe lên dốc!
Nào, Phinca, Vaxca nữa, trông này!
Kia, cỗ xe đang lăn kia khó nhọc,
Ngay bây giờ hãy dẫn nó về đây!
Nhanh, nhanh lên, chạy ra mời khách quí
Hãy dừng lại để ăn cơm và nghỉ.
Nhớ hỏi xem có mệt..." Đám người
nhà
Chạy ra ngoài. Và nhân vật chúng ta
Liền sửa sửa mái tóc bồng tuyệt mĩ,
Rồi quàng khăn, rồi đẩy ghế, xô bàn.
"Trời, có khách! Nhanh nhanh lên
một tí!”
Kia cuối cùng, xe được dẫn vào sân.
Đi đường xa, cỗ xe đầy bụi bám
Yếu ọc ạch, trông bề ngoài bi thảm.
Rồi xuống xe, nhằm thẳng hướng vào nhà
Là một chàng hơi khập khiễng đi ra.
Còn ông lão theo hầu chàng, người Pháp.
Không tỏ ra mệt mỏi hoặc ưu phiền
Mà còn nói: "Nào, Allons
courage!"
Kia hai người được dẫn, bước lên hiên.
Trong khi đám người nhà lo chuẩn bị
Chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng cho khách quí,
Thì Picard, lão người Pháp trổ tài
Cho mọi người biết rõ lão là ai
Trong những dịp thế này; còn chủ lão
Đi đường bẩn, đang muốn thay quần áo
...
Xin cho tôi được nói một đôi điều
Về anh chàng nhân vật trẻ đáng yêu.
Người đó chính là Nulin, bá tước,
Kẻ vừa qua trong cơn mốt thường ngày
Đem nhu nhập của tương lai tiêu trước,
Từ những miền xa lạ mới về đây.
Giờ chàng tới Pêtrôpôn, lo sẵn
Mang đi theo để dự phòng cẩn thận
Cả một lô gồm mũ quạt, ống nhòm,
áo trong, ngoài, quần cộc, áo đuôi tôm,
Rồi một tá khăn mùi-xoa sặc sỡ,
Tất à jour, rồi khuy áo, kim cài,
Rồi cuốn sách của Ghizô đáng sợ,
Tập tranh dày đả kích chẳng chừa ai;
Rồi sách mới của Oantơ Xcốt,
Rồi bon mots của Pari, đất mốt,
Cùng một vài bài hát Beranger,
Vài giai điệu Rossini, Paer...
Và vân vân, và vân vân, vô kể!
Cơm dọn xong, xin mời! Bà chủ trẻ
Natalia Paplôvna đang chờ.
Khi anh chàng bá tước của chúng ta
Hé nhẹ cửa bước vào. Nàng đứng dậy
Liền hỏi thăm sức khỏe khá ân cần.
Bá tước đáp: Không sao! Rồi sau đấy
Cả hai người cùng đi tới bàn ăn.
Họ ngồi xuống. Chàng đưa tay ẩy nhẹ
Bộ đồ ăn về phía nữ chủ nhà,
Rồi hắng giọng, thông minh và tinh tế,
Chàng bắt đầu chê và diễu nước Nga;
Rằng rét vậy mà người ta sống nổi,
Rằng chàng nhớ, nhớ Paris quá đỗi.
"Còn bên kia, sân khấu hiện thế
nào?"
"C'est bien mauvais!" ôi buồn
sao!
Ông Talma thì hoàn toàn nghễnh ngãng.
Còn cô Mars thì than ôi đã già,
Chỉ Potier, Potier ngoại hạng
Là ít nhiều danh tiếng những ngày qua
Còn giữ được. Vâng, chỉ ông là một!”
"Nhà văn nào bây giờ đang hợp
mốt?"
"Lamartine và D'Artincourt!"
"ở nước ta các cây bút quê mùa
Cũng bắt chước cả hai nhà văn ấy".
"Thật thế ư? ồ, tất nhiên, nếu vậy
Thì nước Nga, các bộ óc ngu đần
Đã sáng hơn và phát triển dần dần.
Mong cho ta không suốt đời tăm
tối..."
"Giờ thắt lưng bên ấy mặc thế
nào?"
"ồ, rất thấp, đến chỗ này... xin
lỗi,
Xin phép bà cho xem thử ra sao:
Được! đăng-ten... thêu ở gần... rất
tốt!
Mặc như bà đã rất gần với mốt".
"Đây chúng tôi vẫn nhận được tại
nhà
Khá đều đều tờ “Bưu điện
Matxcơva".
"Thế thì tốt. Bà nghe tôi hát nhé
Một vaudeville rất, rất tuyệt..."
Và rồi
Bá tước hát.
"Vâng, vâng, nhưng có lẽ
Mời ông dùng bữa cơm nhẹ đi thôi!"
"Không, tôi no..." Rồi hai
người đứng dậy.
Bà chủ vui, vui hơi quá ngày thường.
Còn bá tước, quên Pari lộng lẫy,
Nghĩ: Lạy trời, nàng sao quá dễ thương!
Và cứ thế, thời gian trôi nhanh chóng,
Khách thì luôn như xao xuyến trong
lòng,
Còn bà chủ, khi thì nhìn cháy bỏng,
Khi thần thờ như khao khát chờ mong.
Loáng một cái - sắp nửa đêm, chán thật.
Từ phòng bên nghe rõ đám người hầu
Đều đặn ngáy. Nến lụi dần sắp tắt,
Gà láng giềng cũng lên tiếng từ lâu.
"Thôi tạm biệt!” - bà chủ nhà đứng
dậy.
- Chúc ngủ ngon!" và lưu luyến cúi
chào,
Chàng bá tước gần như yêu lúc ấy,
Cầm tay bà hôn âu yếm. Rồi sao?
Ôi, lạy chúa tha cho bà, nếu được -
Bà đã khẽ bóp tay chàng bá tước!
Natalia Paplôvna cởi áo.
Parasa đứng cạnh. Cái cô này
Thưa các bạn, người hầu nhưng mạnh bạo
Và chủ trò rất lắm chuyện xưa nay.
Khâu rồi giặt, rồi đưa tin cho chủ,
Cô ta xin các loại quần áo cũ;
Không ít khi lơi lả với ông nhà
Hay hỗn hào mắng lại cả ông ta.
Trước bà chủ, không ngại ngần nói dối.
Về bá tước giờ cô ta đang nói -
Về con người, về công việc, dáng đi...
Đúng là không, không bỏ sót cái gì.
Có trời biết sao cô ta có thể
Vừa kịp nghe đã biết những điều này.
Nhưng cuối cùng bà chủ cô nói khẽ:
"Thôi đủ rồi! Tôi đã chán! Thôi
ngay!"
Sai mang áo viền đăng ten và mũ,
Nàng cho cô lui ra, rồi đi ngủ.
Trong khi đó thì anh chàng khách quý
Được ông kia người Pháp giúp bắt đầu
Cởi quần áo rồi lên giường đi nghỉ,
Gọi xì-gà, và chỉ một lúc sau
Monsier
Picard, liền mang đến
Một bình to đựng nước, điếu xì gà,
Chiếc cốc bạc, cái giá đồng đựng nến,
Chiếc đồng hồ báo thức cổ, ngoài ra
Mấy chiếc kẹp lò xo dùng kẹp tóc
Và một cuốn sách dày chưa kịp rọc.
Chàng bá tước nằm trên giường, mệt mỏi
Cầm Oantơ Xcốt đọc lơ là,
Vì lòng chàng đang vấn vương bao nỗi
Về những điều chàng chứng kiến vừa qua.
Đầy xúc động và thèm mong, chàng nghĩ:
"ồ, không lẽ ta đang yêu sao nhỉ?
Thì đã sao! Và nếu... nếu lần này
Chuyện lại thành, và được... thật là
hay!
Hình như ta được nàng yêu, cổ
vũ..."
Chàng nghĩ thế rồi tắt đèn đi ngủ.
Nhưng khốn nỗi, chàng không sao ngủ
được,
Bị tình yêu và thèm muốn dày vò.
Con quỉ dữ không buông chàng bá tước,
Gợi trong lòng nhiều ý nghĩ bâng quơ.
Rồi nhân vật của chúng ta lúc đó
Nằm tưởng tượng thấy trong đầu rất rõ
Đôi mắt đen của bà chủ đưa tình,
Và dáng người đầy đặn, cặp môi xinh,
Và giọng nói rất đàn bà, nhỏ nhẹ.
Rất nông thôn là đôi má hồng hồng,
Vâng, đẹp nhất là khi người ta khỏe...
Và rồi chàng còn nhớ cả eo hông,
Nhớ cả đôi bàn chân thon và thẳng,
Nhớ rằng vâng, chính xác quả thế này:
Nàng lơ đãng mỉm cười rồi im lặng
Lúc tiễn chàng, âu yếm bóp vào tay.
Thế mà chàng đã ngốc sao lúc đó!
Đáng lẽ ra nên ở lại; từ đầu
Phải đoán hiểu, tóm luôn cơ hội nọ...
Nhưng bây giờ cũng chưa muộn lắm đâu.
Cửa phòng nàng chắc hãy còn đang mở.
Chàng khoác vội chiếc áo dài sặc sỡ,
Trong bóng đêm vấp phải ghế - thế là
Anh người hùng bá tước của chúng ta,
Như ngày xưa Tacquyn, vua La Mã,
Giờ quyết tâm dám coi thường tất cả,
Chàng mò sang Lucrece diễm kiều,
Mong được nàng ban cho chút tình yêu.
Cũng như thế khi con mèo tinh quái -
Một trò chơi của con bé người hầu -
Rình bắt chuột, đang bước đi mềm mại,
Lúc cuộn tròn chờ đợi, lúc theo sau;
Lúc nheo mắt thu lu ngồi đâu đấy,
Lúc dướn lên, cái đuôi dài ngoe nguẩy,
Rồi nhe nanh, giơ móng nhọn bất ngờ
Nhảy ra vồ chú chuột nhỏ ngây thơ.
Bị thôi thúc bởi ý đồ tội lỗi,
Chàng bá tước một mình trong đêm tối
Dò dẫm đi, không dám thở: mỗi lần
Nghe tiếng sàn kêu sột soạt dưới chân
Lại hoảng hốt run lên. Kia chàng tới
Bên cánh cửa mà chàng thầm mong đợi.
Chàng đưa tay cầm quả đấm bằng đồng.
Cửa hé dần rất, rất khẽ - phía trong
Là một ngọn đèn con leo lét cháy
Soi mờ mờ một căn phòng lộng lẫy.
Nàng nằm kia như đang ngủ lúc này
Hay giả vờ như đang ngủ rất say.
Chàng bước vào rồi lui ra, ngần ngại,
Rồi bỗng nhiên quì mọp xuống chân nàng.
Nàng thì sao? Giờ thì tôi buộc
phải
Xin các bà rất thanh lịch cao sang
Của thủ đô Pêtécbua thử nghĩ,
Thử hình dung nàng sợ hãi thế nào,
Và thử mách bà chủ tôi yêu quí
Gặp cảnh này nên ứng xử ra sao?
Nàng mở mắt, mở to nhìn khiếp đỗi,
Trong khi ấy thì chàng kia sôi nổi
Tuôn một lô các tình cảm nồng nàn.
Một tay chàng còn dám định sờ chăn.
Mới nhìn thế, tất nhiên nàng rất hoảng,
Nhưng giây sau, bình tĩnh lại, và rồi
Với căm giận và lý do chính đáng,
Nàng bất ngờ dang tay rộng, và ôi -
Tát cho chàng Tácquyn nay một cái!
Vâng, một cái thật đau cho nhớ mãi.
Chàng bá tước của chúng ta xấu hổ,
Đành nghiến răng mà nuốt nhục thế này.
Thật khó đoán gì xẩy ra sau đó.
Chàng đang buồn và bối rối - đâu đây
Con chó con bỗng sủa vang, điều ấy.
Làm cô hầu đang ngủ ngon tỉnh dậy.
Nghe cô ta đang bước lại rất gần,
Bá tước thầm hết nguyền rủa bản thân,
Lại nguyền rủa bà chủ nhà nóng nảy,
Rồi vội vã lo tìm đường tháo chạy.
Còn bà chủ cùng cô hầu thế nào,
Họ làm gì và ngủ tiếp ra sao -
Mời các bạn tự đoán ra điều đó,
Xin đừng ai mong chờ tôi nói hộ.
Chàng bá tước của chúng ta hôm sau
Dậy, đánh răng, thay áo khá buồn rầu.
Cả đến việc tô móng tay phức tạp
Chàng cũng chán, và vừa làm vừa ngáp.
Mái tóc xoăn không dấp nước chải lì
Trên ngực chàng cà-vạt lệch vài li.
Tôi không biết chàng nghĩ gì lúc đó.
Nhưng mà kia, đầy tớ gọi uống trà.
Biết làm sao? Nén bực mình, xấu hổ,
Chàng phải đành ngượng ngập đi ra.
Bà chủ trẻ khi tiếp chàng tế nhị
Dấu đôi mắt đang diễu cười hàm ý,
Rồi day day đôi môi đỏ, bắt đầu
Nói hững hờ lấy lệ một vài câu.
Ông khách quí ngồi nghe buồn, uể oải,
Nhưng rồi quen, rồi đỡ ngượng, thế là
Chẳng mấy chốc đã mỉm cười đáp lại.
Rồi chưa đầy ba mươi phút trôi qua
Chàng lại đã pha trò nghe dễ mến
Và suýt yêu một lần nữa... Nhưng kìa,
Ngoài phía cửa có tiếng người! Ai đến?
"A! Xin chào bà vợ!"
"Hãy nhìn kia!
Thưa bá tước, đây chồng tôi yêu quí.
Đây Nulin, bá tước, ghé thăm
nhà..."
"Rất hân hạnh được các ông đến
nghỉ.
Thời tiết giờ sao xấu tệ... Đi qua
Tôi nhìn thấy xe các ông lúc nãy
Bên lò rèn, thắng xong đang đợi đấy.
Natasa, em có biết, bên hồ,
Bọn anh lùng một chú thỏ rất to...
Vốt-ca đâu? Xin mời ông thử nếm
Thứ rượu ngon từ rất xa gửi đến.
Ông ở đây dùng bữa với nhà này?"
"Không, e rằng tôi phải vội đi
ngay".
"Kìa, bá tước, tôi mời ông, nếu
được...
Hãy ở đây thêm đã, vội làm gì?
Gia đình tôi rất mừng..." Nhưng bá
tước
Đang buồn rầu, thất vọng, quyết ra đi.
Rồi ông lão Picard làm một cốc
Nhằm tăng thêm dũng khí để gói đồ.
Rồi đầy tớ bê ra xe khó nhọc
Cứ hai người một hòm gỗ khá to.
Rồi xe ngựa liền được đưa ngay đến
Sát tận cửa để bước lên cho tiện.
Ông Picard cũng xong việc, và rồi
Xe lên đường... Và câu chuyện của tôi
Có thể dừng lại đây, thưa các vị,
Nhưng tôi xin được nói thêm một tí.
Khi hai người khách quí mới đi xong,
Bà vợ đem mọi chuyện kể với chồng.
Ngay lập tức các láng giềng cũng được
Báo cho biết chiến công chàng bá tước.
Nhưng hỏi ai cùng bà chủ đã cười
To, vui vẻ và lâu hơn mọi người?
Mời các bạn thử đoán xem. Không biết?
Anh chồng ư? ồ không phải anh chồng.
Anh ta giận không để đâu cho hết
Và nói rằng chàng bá tước chơi ngông,
Rằng chàng láo, rằng trẻ con, rằng
ngốc,
Rằng anh ta sẽ bắt chàng phải khóc,
Rằng sẽ xua chó cắn, sẽ có ngày...
Tôi xin mách: cười to hơn lần này
Là Liđin, ông láng giềng thân cận,
Một địa chủ vừa hăm ba tuổi chăn.
Thưa các bạn, giờ thì ta, đàn ông
Có thể nói mà không lo này nọ,
Rằng ngày nay vợ chung thuỷ với chồng
Là một việc bình thường, và vẫn có!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét