Kinh Hiền Ngu
VUA ĐẠI QUANG MINH
Người có trí lanh lợi
Thì nhận thức cũng nhanh,
Có thể biến duyên nhỏ,
Thành đại nghiệp tốt lành.
Còn những kẻ ngu dốt
Lại cộng thêm thói lười,
Thì dù gặp duyên lớn,
Cũng vô ích ở đời.
Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Nhiều quan dân, đệ tử
Đang chen chúc bên Ngài,
Tranh nhau dâng đồ cúng,
Không ai chịu nhường ai.
Các tỳ kheo lúc ấy,
Cả tôi, A Nan Đà,
Cũng muốn phát tâm tốt
Để được như Thích Ca.
Chúng tôi còn muốn biết
Ngài đã gặp duyên gì
Trong muôn nghìn kiếp trước
Để thành Phật từ bi.
Tôi đem ý nghĩ ấy
Thành kính bạch với Thầy.
Ngài lắng nghe, rồi kể
Một câu chuyện thế này.
Mọi người chợt im lặng.
Dường như cả núi sông
Cũng lắng nghe Ngài nói
Và ghi nhớ trong lòng.
*
Nghìn vạn kiếp về trước,
Muôn ức A Tăng Kỳ,
Cũng ở Châu Diêm Phủ,
Có ông vua từ bi.
Vua rất đỗi thông tuệ,
Tên là Đại Quang Minh.
Làm vua một nước lớn,
Ông rất yêu dân mình.
Ông có người bạn quí,
Là vua một nước gần,
Giúp đỡ nhau hào phóng
Cả vật chất, tinh thần.
Một hôm nhân săn được
Hai con voi con xinh,
Ông vua láng giềng ấy
Đem tặng vua Quang Minh.
Vua liền sai quản tượng
Huấn luyện đôi voi này.
Khi đôi voi thuần thục,
Ông quyết định chọn ngày
Đem khoe với dân chúng.
Và rồi trước đám đông
Vua cùng người quản tượng
Cưỡi voi, rất hài lòng.
Bất chợt con voi ấy,
Một con đực rất hiền,
Thế mà thấy voi cái,
Liền hứng chí, chồm lên.
Bị đuổi, voi cái chạy,
Con đực chạy theo sau.
Quản tượng cũng bất lực,
Vua thì ngã rất đau.
Chỉ một ngày sau đó
Con voi trở về nhà,
Lại hiền lành như trước,
Chỉ sầy sớt tí da.
Tuy nhiên vua tuyên bố
Không còn thích chơi voi.
Người quản tượng khốn khổ
Thì suýt bị phạt roi.
Vì nó là voi quí,
Loại hiếm có trên đời,
Lại do vua bạn tặng,
Nên ông đã hết lời
Khuyên vua hãy nghĩ lại
Mà giữ con voi này.
Vua một mực không chịu,
Bắt phải đuổi đi ngay.
Cuối cùng người quản tượng
Bèn nói với con voi:
“Vua không cần mày nữa,
Mày nên chết đi thôi.”
Rồi ông nung trong lửa
Bảy viên sắt đỏ lừ.
Ông sẽ bắt voi nuốt,
Con voi ấy hiền từ.
Con voi quì hai gối,
Nước mắt chảy ròng ròng.
Nó nhìn quanh cầu cứu.
Ai thấy cũng chạnh lòng.
Ông quản tượng quát nó,
Bắt mở miệng thật to,
Rồi bỏ từng viên sắt
Đang đỏ rực trong lò.
Con voi đành phải nuốt,
Chỉ khoảng vài phút sau
Nó nổ bụng, và chết.
Một cái chết đớn đau.
Mọi người nhìn, nhỏ lệ,
Kể cả vua Quang Minh.
Ngài gọi người quản tượng,
Bắt kể hết sự tình.
“Ngươi điều khiển được nó.
Nó tuân theo lệnh ngươi,
Tự nguyện nuốt sắt đỏ.
Một sự lạ trên đời.
Thế sao ngày hôm nọ,
Bất chợt nó chồm lên,
Sao ngươi không có thể
Bắt được nó đứng yên?”
“Tâu bệ hạ, bởi lẽ,
Là quản tượng, hạ thần
Chỉ điều khiển được xác,
Chứ không phải tinh thần.”
Vua nghe xong, tư lự,
Nhìn xác con voi con:
Thế ai điều khiển nổi
Cả thể xác, tâm hồn?”
Người quản tượng cúi lạy:
“Bẩm vua, chỉ một người.
Và đó là Đức Phật,
Người duy nhất trên đời.”
“Vì sao Phật làm được,
Phật có điều tốt gì?”
“Bẩm, một là Trí Tuệ,
Và hai là Từ Bi.
Phật làm sáu điều thiện,
Và Trí Tuệ của Ngài,
Tức sáu Ba La Mật,
Soi sáng cõi trần ai.”
Vua nghe xong, hoan hỉ,
Vào hậu cung gội đầu,
Tắm rửa rất sạch sẽ,
Một mình bước lên lầu.
Vua làm lễ, cúng khấn
Rồi phát nguyện thế này:
“Với chúng sinh, tôi hứa
Đại từ bi từ nay!”
Vua vừa dứt lời nguyện,
Bỗng chốc sáu phương trời
Khẽ rung lên chao đảo,
Vạn vật vụt sáng ngời.
*
Kể đến đây, Đức Phật,
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Vua Quang Minh ngày ấy
Là tiền thân của ta.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ghi nhớ câu chuyện này,
Rồi tất cả đảnh lễ,
Cúi đầu thấp chào Thầy.
*
Vậy là ta thấy rõ,
Đức vua Đại Quang Minh
Từ một cơ duyên nhỏ
Làm nên nghiệp đại lành.
Còn những kẻ lười biếng
Mà ngu thì, tiếc thay,
Có gặp cơ duyên lớn
Cũng để tuột khỏi tay.
Nghe chuyện này của Phật,
Hãy bỏ Tham, Sân, Si,
Đặng tu hành, chứng quả
Thành đại từ, đại bi.
16
ƯU BÀ TƯ NA
Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có một nước bé nhỏ
Trong vương quốc mênh mông
Của vua Ba Tư Nặc,
Dân nghèo, làm nghề nông.
Vì nghèo và ngu dốt
Luôn sống trong tối tăm,
Họ không tin theo Phật,
Nên phạm nhiều lỗi lầm.
Có môt cô gái nọ
Là Ưu Bà Tư Na,
Cũng người của nước ấy,
Môt hôm phải đi xa.
Cô sang tận Xá Vệ.
Xong việc, khi trở về,
Trọ ở nhà người bạn.
Bất ngờ cô được nghe
Các điều hay về Phật.
Cô liền theo người ta,
Đến Kỳ Hoàn Tịnh xá
Để yết kiến Thích Ca.
Thấy mặt Ngài rực sáng,
Vừa trang nghiêm vừa hiền,
Cô cúi thấp đảnh lễ,
Rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy Ngài đang bận
Giảng về Năm Điều Răn
Mà chúng ta phải tránh
Khi sống ở đời trần.
Không vi phạm Năm Giới:
Một, không được Sát Sinh.
Hai, không được Trộm Cắp,
Lấy cái không của mình.
Ba, liên quan sắc dục,
Quyết không được Dâm Tà.
Bốn, không được Nói Dối,
Nói dối là xấu xa.
Năm, không được Uống Rượu.
Rượu làm mất thông minh,
Làm tổn hại sức khỏe
Và tan nát gia đình.
Cô sụp lạy trước Phật
Khi nghe năm điều này:
“Con cảm ơn duyên phước
Được gặp Ngài hôm nay.
Con sẽ theo Ngũ Giới,
Không một phút xa rời.
Nó giúp con giác ngộ,
Sống ngay thẳng ở đời.”
Rồi cô xin Đức Phật
Trao cho cô cuốn Kinh.
Ngài cho cuốn “Pháp Cú”
Dặn mang về nhà mình
Tụng hàng ngày, sáng tối.
Cô vui mừng, hả hê.
Cúi đầu lễ ba lễ
Rồi vội vã ra về.
Thấm nhuần giáo lý Phật,
Cô tụng niệm hàng ngày,
Coi cuộc đời có thật
Như gió thổi mây bay.
Một hôm vào Tịnh xá
Để viếng thăm tỳ kheo,
Cô thấy có một vị
Ốm nặng, nằm còng queo.
Cô an ủi, rồi hỏi
Ông cần gì, người này
Nói chỉ cần ít thịt,
Ăn vào là khỏi ngay.
Về nhà cô vội vã
Sai con ở đi mua.
Tiếc không ai bán thịt
Vì lệnh cấm của vua.
Tìm mua mãi không được,
Cả khi giá gấp mười.
Cuối cùng cô cho cắt
Một miếng thịt trên người.
Con ở đem nấu chín,
Mang cho vị tỳ kheo.
Ông kia ăn, bỗng chốc
Hết cơn bệnh hiểm nghèo.
Sau khi tự xẻo thịt,
Cô Ưu Bà Tư Na
Đau đớn, nằm một chỗ,
Không đi ra khỏi nhà.
Chồng cô, vốn ghét Phật,
Tra hỏi, biết sự tình,
Bèn tìm Phật trách mắng,
Suýt nổi giận lôi đình.
Nhưng anh này sợ vợ.
Bị vợ trách, anh ta,
Thấy vợ dọa tự tử,
Đành mời Phật đến nhà.
Khi Phật và đệ tử
Đến nhà để thọ trai,
Cô đau không dậy nổi
Để đi ra tiếp Ngài.
Phật liền bảo đầy tớ
Cứ vào bê cô ra.
Thế là nằm trên cáng,
Cô trình Phật Thích Ca.
Ngài liền dùng công lực
Phóng những tia quang minh.
Vết thương đau liền lại,
Cô khỏe mạnh, yên lành.
Cô vui mừng, kính sợ,
Sụp lạy thấp trước Ngài,
Lấy nước rửa chân Phật,
Rồi mời Ngài thọ trai.
Dùng cơm xong, Đức Phật
Thuyết “Mười Hai Nhân Duyên”,
“Bố Thí” rồi “Trì Giới”,
Và cả phép định thiền.
Cô nghe xong, đoạn tuyệt
Với tức giận, lòng tham
Cùng si mê thân dục,
Chứng quả A Na Hàm.
Người chồng cô ương bướng
Bỏ được các giáo tà,
Kính trọng ngôi Tam Bảo,
Một lòng theo Thích Ca.
Nhiều người dân bản xứ
Tin theo Phật, qui y,
Trở thành các phật tử
Bác ái và từ bi.
Tôi và các đệ tử
Nghe xong chuyện Thích Ca,
Cúi chào Ngài cung kính
Rồi hoan hỉ lui ra.
17
XUẤT GIA CÔNG ĐỨC
Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Tại kinh thành Vương Xá
Của nước Ma Già Đà.
Lúc ấy Ngài thuyết pháp
Về xuất gia, qui y,
Rằng suốt nghìn vạn kiếp
Với chúng sinh, không gì,
Không gì quí và tốt
Bằng con người xuất gia
Để một lòng theo Phật,
Tâm và trí yên hòa.
Có một ông trưởng giả,
Tên Thi Lợi Bí Đề,
Vừa đúng một trăm tuổi,
Hôm ấy cũng đứng nghe.
Ông nghĩ, ta trăm tuổi,
Như thế đã là già,
Đang bị vợ con ghét.
Sao ta không xuất gia?
Rồi ông đến Tịnh xá
Xin gặp Đức Thế Tôn.
Ngài lúc ấy đi vắng,
Nên ông thấy rất buồn.
Tôn giả Xá Lợi Phất
Thấy ông yếu, lại già,
Từ chối không chịu nhận
Cho làm người xuất gia.
Ông buồn, ra Vườn Trúc
Khóc, than thở một mình.
Bỗng ngước lên và thấy
Chính Đức Phật hiện hình.
“Có chuyện gì phải khóc,
Hỡi Thi Lợi Bí Đề?”
“Bạch Thế Tôn,” ông đáp,
Nước mắt vẫn dầm dề.
“Bao nhiêu người hạ tiện,
Kẻ nói dối, gian tà,
Cả những tên tội phạm
Đều được phép xuất gia.
Thế mà con, trăm tuổi,
Sống lương thiện suốt đời,
Sao con không được phép
Xuất gia như mọi người?”
Phật lựa lời an ủi,
Làm ông thấy yên lòng,
Nhận ông vào Tịnh Xá,
Cho người giúp đỡ ông.
Người đó là tôn giả
Mục Kiền Liên đại tài.
Tôn giả không thích lắm,
Nhưng không dám hỏi Ngài.
Trong Tịnh Xá Vườn Trúc,
Ông Thi Lợi Bí Đề
Dù đã rất cố gắng
Vẫn thường bị cười chê.
Nhất là tỳ kheo trẻ,
Thấy ông yếu, lại già,
Làm cái gì cũng chậm,
Và họ thường kêu ca.
Cuối cùng không chịu nổi
Cảnh người khác khinh mình,
Một hôm ông quyết định
Sẽ liều mình quyên sinh.
Đúng lúc ông sắp nhảy
Từ mõm núi xuống sông,
Mục Kiền Liên nhìn thấy
Bằng thiên nhãn thần thông.
Tôn giả bắt ông lão
Bám chặt áo của mình.
Hai người trong nháy mắt
Bay vút lên trời xanh.
Rồi một nháy mắt nữa,
Mục Kiền Liên đưa ông
Tới một hòn đảo vắng
Giữa biển trời mênh mông.
Ngài chỉ cho ông thấy
Một núi xương đen sì.
“Bạch hòa thượng,” ông hỏi.
“Núi xương này là gì?”
Mục Kiền Liên liền đáp:
“Tồn tại đã nghìn đời,
Đấy là cá Ma Kiệt,
Một tiền kiếp của ngươi.
Có nhân thì có quả,
Ở hiền sẽ gặp hiền.
Ở ác sẽ gặp ác.
Vạn sự có nhân duyên.”
*
Rồi ngài kể câu chuyện
Rằng cách đây rất lâu,
Có một ông vua tốt,
Kinh và giới thuộc làu.
Ông luôn dùng chính pháp
Để xua cái tối tăm.
Yên bình, ông trị nước
Đã hơn hai mươi năm.
Một hôm, vua vui vẻ
Chơi bài với cận thần.
Vừa lúc có người nọ
Bị ghép tội sát nhân.
Quan tòa vào, cúi hỏi
Nên xử tội thế nào.
Vua mải chơi, bèn đáp:
“Cứ xử thật nặng vào.”
Xử thật nặng, theo luật,
Là phải đem chém đầu.
Khi chơi xong, vua hỏi:
“Người phạm tội ấy đâu?”
“Tâu bệ hạ, người ấy
Đã chết, theo lệnh ngài.
Ngài đã ra lệnh chém
Khi đang ngồi chơi bài.”
Vua nghe xong, hốt hoảng:
“Thế là ta giết người.
Ta sẽ bị đầy đọa
Trong bể khổ muôn đời.”
Rồi ông bỏ lên núi,
Chăm kinh kệ hàng ngày,
Cố tu nhân tích đức
Để thoát nghiệp chướng này.
Nhưng theo luật nhân quả,
Ông chết, phải suốt đời
Làm con cá Ma Kiệt
Quằn quại giữa trùng khơi.
Bị đói, bị truy bức,
Con cá ấy khổng lồ
Chịu đau đớn, và chết,
Thành một núi xương to.
*
“Ông vua tốt bụng ấy
Chính là ngươi ngày nay.
Tốt, nhưng giết người khác,
Cũng chịu nghiệp báo này.”
Mục Kiền Liên nói thế
Với pháp tử của mình.
Tiếp đến ngài giảng thuyết
Về các giới và kinh.
Bí Đề nghe chăm chú,
Nghe như uống từng lời,
Rồi chứng A La Hán,
Và được lên cõi trời.
“Giờ ngươi là La Hán,
Vậy hãy bay theo ta.
Không còn như lần trước
Phải bám áo cà-sa.
Nói đoạn, nhún một cái,
Tôn giả Mục Kiền Liên
Lao tít lên trời thẳm,
Vun vút như mũi tên.
Bí Đề, A La Hán,
Xé gió bay phía sau,
Như chim con, chim mẹ
Đang thi bay với nhau.
Một chốc họ đã đến
Vườn Trúc Ca Lan Đà.
Hai thầy trò cúi lạy
Trước Đức Phật Thích Ca.
Ngài hoan hỉ hỏi chuyện,
Rồi ngỏ lời khen ông:
“Sống đến một trăm tuổi,
Vẫn xuất gia thành công.
Vậy sao người trẻ tuổi
Không theo ông già này
Để ân đức nhiều kiếp
Ngày một đắp thêm dày?”
Các chư tăng, đệ tử,
Cả tôi, A Nan Đà,
Hoan hỉ nghe Ngài nói,
Đảnh lễ, rồi lui ra.
18
CHÚ TIỂU TUẪN TIẾT ĐỂ GIỮ GIỚI
Sau khi Phật viên tịch,
Xưa, ở nước An Đà,
Có nhà sư khổ luyện,
Tu hạnh Đại Đầu Đà.
Ngài vào nơi vắng vẻ,
Một mình, xa lánh đời,
Ăn mỗi ngày một bữa,
Chỉ manh áo trên người.
Ngài là người đức hạnh,
Có đủ tám lục thông,
Tam minh, lục phép giải,
Huyền diệu về khí công.
Ngài không đi khất thực.
Do quí ngài, xưa nay
Một người Ưu Bà Tắc
Mang cơm cúng hàng ngày.
Lần nọ, bỗng người ấy
Cùng gia đình đi xa,
Chỉ để cô con gái
Ở lại trông coi nhà.
Suốt cả ngày, cô gái
Đóng cửa, không ra ngoài.
Cô quên, hoặc chủ ý,
Không dâng cơm cho ngài.
Nhà sư lấy làm lạ,
Sai chú tiểu của mình
Đến tận nhà để lấy,
Nhân tiện hỏi binh tình.
Chú tiểu này, phải nói,
Trong trắng và thật thà.
Chú vừa được bố mẹ
Gửi gắm vị sư già.
Đến nơi, cô gái trẻ
Mời chú vào bên trong,
Nhanh chóng khóa cửa lại,
Rồi lôi chú vào phòng.
Cô buông lời tán tỉnh,
Lộ liễu và sa đà.
Chú tiểu thì hốt hoảng,
Chắp tay niệm Thích Ca.
Chú viện cả địa ngục
Để cô gái kia thôi.
Thế mà cô gái ấy
Cứ xấn xổ, và rồi,
Không còn cách nào khác,
Chú tiểu đành giả vờ
Đồng ý chiều cô gái,
Bảo ra ngoài đứng chờ.
Cô gái chờ, chờ mãi,
Không thấy chú gọi vào.
Cuối cùng phải phá cửa,
Và rồi, hãi hùng sao,
Thấy chú tiểu đã chết,
Tự đâm vào ngực mình.
Nằm sóng soài dưới đất.
Cô kêu lên thất kinh.
Ông bố về, biết chuyện,
Chỉ buồn, không ngạc nhiên,
Vì biết không thể tránh
Chuyện nghiệp chướng tiền duyên.
Theo luật, ai vô phúc
Để sư chết nhà mình,
Bị phạt một nghìn lạng,
Nếu không, sẽ tử hình.
Ông đem vàng, tự nguyện
Đến nộp vua An Đà.
Vua đến xem tại chỗ,
Không nhận vàng, rồi tha.
Chú tiểu tự tuẫn tiết,
Một tấm gương sáng ngời
Về chân tu, giữ giới.
Đáng lưu lại cho đời.
Rồi ngài cho làm lễ,
Đúng nghi thức hoàng gia,
Để hỏa thiêu chú tiểu.
Nam Mô A Di Đà.
19
NGƯỜI CON DỊ TẬT
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có một ông trưởng giả,
Vừa giàu vừa hiền tài.
Sinh năm cô con gái,
Nhưng không có con trai.
Theo luật của Xá Vệ,
Có từ bao đời nay,
Ai chỉ toàn con gái,
Ông bố chết, sau này
Thì toàn bộ tài sản
Gồm nhà cửa và tiền
Cùng đầy tớ, ruộng đất
Phải giao cho chính quyền.
Chẳng bao lâu, ông chết.
Cô con cả của ông
Gặp vua Ba Tư Nặc,
Nước mắt chảy ròng ròng:
“Bẩm vua, bố con chết,
Nhưng mẹ con mang thai.
Có thể còn hy vọng
Bà sẽ sinh con trai.”
Vua nghe, thấy có lý,
Bảo các quan cứ chờ
Chưa tịch thu tài sản.
Và rồi đúng, không ngờ,
Bà mẹ cô sinh hạ
Một cậu bé, con trai,
Có điều không có mắt,
Không lưỡi, mũi và tai.
Cô gái thấy sự lạ,
Đến hỏi Phật Thích Ca.
Ngài kể một câu chuyện,
Cho tôi, A Nan Đà.
*
Xưa, một nhà giàu nọ
Có hai người con trai.
Anh cả tên Đàn Nhã,
Thi La, em thứ hai.
Người anh vốn trung thực,
Được nhà vua tin yêu,
Cho giữ chức Bình Sự,
Một quan tòa trong triều.
Theo luật pháp thời ấy,
Vay không cần giấy tờ.
Quan tòa chứng là đủ.
Đã thế tự bao giờ.
Ông em rất giàu có,
Cho vay lấy lãi ròng.
Có ông lái buôn nọ,
Một hôm đến vay ông.
Mà vay số tiền lớn
Để làm vốn buôn xa.
Theo lệ, không văn tự,
Không ký cược ruộng nhà.
Người em dẫn con nợ
Cùng vào phủ gặp anh,
Nhờ anh làm chứng hộ,
Trước mặt đứa con mình.
Mấy tháng sau ông chết.
Người lái buôn chìm tàu,
Nên không thu được nợ.
Nỗi đau chồng nỗi đau.
Nhưng lần buôn sau đó,
Nhờ người khác cho vay,
Các tàu buôn cập bến,
Lãi rất lớn, ông này
Cứ ngơ, không trả nợ,
Rồi nói chẳng hề vay.
Hối lộ vợ Bình Sự,
Nhờ lo êm việc này.
Quan Bình Sự gặp khó.
Một bên, vợ mè nheo.
Bên kia là cháu ruột.
Quả là thế hiểm nghèo.
Đã trót nhận ba vạn,
Bà vờ cứ nài ông,
Lại còn dọa tự tử,
Cuối cùng ông mềm lòng.
Thế là ông tuyên bố
Chẳng ai nợ ai gì,
Rằng việc phức tạp lắm.
Thôi, cháu về, về đi.
Một ông quan liêm khiết
Bị bà vợ hám tiền
Bắt bẻ trái công lý
Để rồi chịu nhân duyên.
Đứa bé kia tội nghiệp
Không tai mũi, không tay
Không cả lưỡi và mắt
Là quan Bình Sự này.
*
Nghe Phật kể, tất cả
Gồm tôi, A Nan Đà,
Đồng lòng ca ngợi Phật,
Rồi cúi thấp, lui ra.
20
TRUYỆN HAI VỢ CHỒNG NGHÈO
Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có hai vợ chồng nọ
Sinh con gái đầu lòng.
Một cô bé thật đẹp,
Da mịn, trắng như bông.
Lạ là cô bé ấy
Khi vừa mới ra đời
Đã thấy giải lụa trắng
Bọc chặt xung quanh người.
Thầy tướng được mời đến:
“Điềm may, đừng lo gì.”
Rồi ông cho làm lễ,
Đặt tên là Thúc Ly.
Cô Thúc Ly khôn lớn,
Cũng lớn mảnh lụa con.
Xinh đẹp, lại giàu có,
Nên nhiều người cầu hôn.
Tuy nhiên, cô một mực
Không muốn rời mẹ cha.
Cuối cùng cúi xin họ
Cho theo Phật, xuất gia.
Bố mẹ cô đồng ý,
Đưa cô đến gặp Ngài.
Phật hoan hỉ chấp nhận,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”
Lập tức, tóc cô rụng.
Chiếc áo mặc trên người
Biến thành cà-sa Phật,
Vừa vặn, màu còn tươi.
Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
*
Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Vô lượng kiếp về trước,
Hàng vạn năm cách đây,
Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.
Lúc thuyết giảng đạo pháp
Hay khất thực, đâu đâu,
Mọi người tranh dâng lễ,
Cả người nghèo, người giàu.
Ngày ấy có nhà nọ,
Nghèo đến mức hai người
Chỉ có một chiếc áo
Để trưng diện với đời.
Chồng ăn xin thì vợ
Đành ở nhà nằm co.
Vợ ra ngoài, chồng phải
Chui vào đống cỏ khô.
Một hôm cô vợ gặp
Một tỳ kheo từ bi.
Ông này khuyên cô sớm
Cúng Phật Tỳ Bà Thi.
Cô vợ nghe có lý,
Bàn với chồng việc này.
Phải cúng Phật gì đó,
Mong hưởng lộc có ngày.
Khốn nỗi, họ nghèo quá.
Chẳng có gì trên đời.
Cuối cùng họ nhất trí
Cúng chiếc áo trên người.
Thế là cô vội vã
Mời sư già cùng đi
Đến nhận lễ cô cúng
Cho Phật Tỳ Bà Thi.
Có điều ông phải đứng
Chờ ngoài sân, để cô
Dùng gậy đưa chiếc áo,
Vì cô đang lõa lồ.
Ông tỳ kheo cảm động
Khi biết rõ sự tình,
Liền đem chiếc áo ấy
Về dâng Phật anh linh.
Đức Phật cúi xuống đỡ,
Nâng cao bằng hai tay
Như nâng một báu vật,
Chiếc áo người ăn mày.
*
Kể xong câu chuyện ấy,
Phật Thích Ca Mâu Ni
Nói: “Người đàn bà nọ
Là tỳ kheo Thúc Ly.
Nhờ cúng dàng chiếc áo
Duy nhất của hai người,
Mà cô được ân phước
Trong chín mốt kiếp đời.”
Chúng tôi nghe, cảm động,
Ca ngợi Phật Thích Ca,
Cúi thấp đầu đảnh lễ
Rồi cung kính lui ra.
21
BÀ LÃO BÁN CÁI NGHÈO CỦA MÌNH
Một lần, ở nước nọ,
Tôn giả Ca Chiên Chiên,
Một trong mười đệ tử
Đại đức và đại hiền,
Chợt thấy có bà lão
Đang ngồi khóc bên sông.
Trên đôi má nhăn nhúm
Nước mắt chảy ròng ròng.
“Sao bà lão lại khóc?”
Ngài dừng lại, hỏi bà.
“Bạch ngài, con già yếu,
Đi ở cho người ta.
Phải làm lụng vất vả,
Không một phút nghỉ ngơi.
Có lỗi còn bị đánh,
Ăn chỉ đủ cầm hơi.
Quần áo, như ngài thấy,
Vá chằng đụp thế này.
Vậy sao con không khóc,
Xót nỗi niềm xưa nay?”
“Thế thì bà nghèo thật.”
Ngài nói. “Không có gì
Ngoài chính sự nghèo đói.
Thì bà bán nó đi.”
“Ngài nói bán nghèo đói?
Ai mua? Bán thế nào?”
“Nếu muốn, tôi bán giúp.
Sẽ bán được, không sao.
Giàu có mà vô đạo
Sẽ tha hóa con người.
Nghèo đói làm từ thiện
Sẽ hưởng phước muôn đời.”
Bà lão nghèo khổ ấy
Trên người chẳng có gì
Ngoài chiếc bình xách nước
Của nhà chủ, đen sì.
Ngài bảo bà tắm gội
Rồi đem bình xuống sông,
Lấy nước dâng sư uống,
Hãy chọn chỗ nước trong.
Theo lời tôn giả dặn,
Tối hôm ấy bà già
Suốt đêm ngồi ngoài cổng,
Không ngủ trong chuồng gà.
Hai tay chắp trước ngực,
Vô lo, lòng tĩnh yên,
Bà chú tâm niệm Phật,
Phiêu diêu trong cõi thiền.
Đúng nửa đêm bà chết
Hồn nhè nhẹ bay cao
Lên cõi trời Đạo Lợi
Nhấp nháy những vì sao.
Từ đấy, hàng nghìn kiếp,
Đầu thai thành người giàu,
Bà là người hạnh phúc,
Thoát hết mọi buồn đau.
Vậy là bà đã bán
Cái nghèo đói của mình,
Qua bình nước dâng cúng,
Để mua sự yên bình.
22
KIM THIÊN
Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có ông lái buôn nọ
Sinh được người con trai,
Da mịn và vàng óng,
Rất xinh đẹp hình hài.
Khi cậu sinh, thật lạ,
Tự nhiên đất nứt ra
Thành chiếc giếng sâu, rộng,
Nằm ngay trước vườn nhà.
Giếng mỗi bề tám thước,
Và cũng tám thước sâu.
Nước rất thơm và ngọt,
Uống vào thấy no lâu.
Hơn thế, dưới lòng giếng
Đầy những đồng tiềng vàng.
Bố cậu lấy, phân phát
Cho mọi người trong làng.
Bố mẹ đặt cho cậu
Cái tên đẹp Kim Thiên,
Rất đúng với ý nghĩa
Bỗng dưng trời cho tiền.
Cậu là người thông tuệ,
Đức hạnh và thâm sâu.
Đến tuổi, bố mẹ cậu
Cho người tìm cô dâu.
Nước bên có cô gái
Tên là Kim Quang Minh.
Nước da cũng vàng chói,
Nhu mì và rất xinh.
Thông qua các bà mối,
Họ thành vợ, thành chồng.
Quả trai tài gái sắc,
Mọi cái thật tương đồng.
Muốn con thấm nhuần Phật,
Ông bố cho mời Ngài
Cùng chư tăng phật tử
Đến nhà mình thọ trai.
Dùng cơm xong, Đức Phật
Thuyết giảng cho mọi người
Về Tám Điều Khổ Ải
Luôn bám riết kiếp người.
Là Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Là Nỗi Khổ Chia Ly,
Là Cầu Mong Không Được,
Là Thù Hận, Sân Si.
Nghe xong lời Phật dạy,
Hai vợ chồng Kim Thiên
Tâm trí mở mang hẳn,
Như vừa uống nước tiên.
Khi Phật về Tịnh Xá,
Họ cúi xin mẹ cha
Cho phép được thoát tục
Để qui y xuất gia.
Bố mẹ họ đồng ý,
Dẫn con đến gặp Ngài.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”
Áo biến thành áo Phật,
Tóc họ rụng tức thì.
Kim Quang Minh được ở
Cùng các tỳ kheo ni.
Họ chuyên tâm tu luyện
Nên tiến bộ rất nhanh,
Chứng quả A La Hán,
Giỏi “Lục Thông”, “Tam Minh”.
Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Chin mươi mốt kiếp trước,
Hàng vạn năm cách đây,
Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.
Khi Đức Phật viên tịch,
Các tỳ kheo thay thầy
Đi giáo hóa dân chúng
Đều đặn ngày lại ngày.
Mọi người rất háo hức
Cúng dàng các tỳ kheo.
Một lần, ở làng nọ
Có đôi vợ chồng nghèo.
Họ cũng muốn bố thí,
Nhưng rất tiếc, trong nhà
Không có nổi bát gạo,
Không vải may cà-sa.
Họ tủi thân, ngồi khóc,
Không dám ra đường làng.
Nghĩ mãi vẫn không biết
Lấy gì đem cúng dàng.
Cuối cùng người vợ nói:
“Ta thử tìm khắp nơi.
Biết đâu ta tìm thấy
Cái gì đó của trời.”
Túp lều họ xiêu vẹo,
Toàn rác rưởi ngổn ngang
Thế mà họ tìm thấy
Một đồng tiền bằng vàng.
Đồng vàng ấy có thể
Giúp họ thoát cảnh nghèo.
Nhưng họ không do dự
Đem cúng các tỳ kheo.
Và nhờ nó, khi chết,
Linh hồn của hai người
Lên cõi trời Đạo Lợi,
Hưởng vinh hiển muôn đời.
*
Kể đến đây, Đức Phật
Nói: “Hai người nghèo này
Là Kim Thiên và vợ
Đang có mặt hôm nay.
Suốt chín mươi mốt kiếp,
Nhờ cúng đồng tiền vàng,
Họ gặp toàn ân phước,
Giờ đắc đạo dễ dàng.”
Tôi và các đệ tử
Lắng nghe Phật Thích Ca,
Trong lòng rất hoan hỉ,
Cúi đầu chào, đi ra.
23
TRÙNG TÍN
Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có một ông phú hộ,
Nhiều ruộng đất, nhiều tiền,
Hiềm nỗi con không có,
Nên hay viếng chùa chiền.
Cầu cúng mãi, bà vợ
Sinh được cậu con trai,
Một quí tử đích thực,
Có tướng người hiền tài.
Hai ông bà mừng lắm.
Một hôm họ đi chơi.
Bên bờ sông vui vẻ
Ăn uống rồi nói cười.
Bà mẹ muốn con thích,
Cứ tung nó lên không.
Rồi nhỡ tay, bất chợt,
Đứa con rơi xuống sông.
Bà kêu lên hốt hoảng.
Mọi người nhảy xuống tìm,
Nhưng tìm mãi không thấy,
Thương đứa bé chết chìm.
Phía cuối dòng sông ấy
Có một xóm nghề chài.
Một ông nhà giàu khác
Đang cầu tự con trai.
Hôm đó ông quăng lưới,
Bắt được con cá hồng,
Về mổ cá, chợt thấy
Có đứa bé bên trong.
Đứa bé ấy chưa chết,
Thậm chí đang ngủ say.
“Bao năm cầu xin mãi,
Trời cho thằng bé này!”
Họ mừng lắm, từ đấy
Chăm nuôi như con mình.
Một đứa bé tướng tốt,
Bụ bẫm và thông minh.
Trong khi bố mẹ cậu
Cuối cùng cũng dò ra
Rằng đứa bé còn sống,
Rồi tự tìm đến nhà.
Hai gia đình tranh cãi.
Ai cũng bảo con mình.
Chuộc lớn cũng không được,
Đành nhờ vua phân minh.
Vua phán: “Cậu bé ấy
Con chung của cả hai.
Hai nhà phải chung sức
Nuôi khôn lớn, thành tài.
Đến tuổi lập gia thất,
Mỗi nhà sẽ tự mình
Cưới cho cậu một vợ.
Cháu sẽ là cháu mình.”
Họ cúi đầu vâng lệnh.
Rồi chỉ mấy năm sau
Cậu có hai bà vợ,
Đông con và rất giàu.
Một hôm, như thường lệ,
Có việc phải xa nhà,
Ngẫu nhiên cậu may mắn
Gặp Đức Phật Thích Ca.
Cậu nghe Phật thuyết pháp
Về các giới, các kinh
Mà như cây khô hạn
Được tưới nước trong lành.
Trở về, cậu lễ phép
Cúi xin cả hai nhà
Cho giã từ cõi tục
Để qui y xuất gia.
Dẫu không thật thích lắm,
Nhưng rồi hai gia đình
Cuối cùng cũng miễn cưỡng
Chiều theo ý con mình.
Họ làm lễ cúng Phật.
Cho con cùng đi theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Lập tức, tóc rụng hết,
Áo thành áo cà sa.
Và rồi tỳ kheo mới
Được Đức Phật Thích Ca
Đặt pháp hiệu Trùng Tín.
Sư chăm lo tu hành,
Đắc quả A La Hán
Dễ dàng và rất nhanh.
Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Chín mươi mốt kiếp trước,
Hàng nghìn năm cách đây,
Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.
Một lần Phật thuyết giảng
Về ân phước muôn đời
Của Bố Thí, Trì Giới
Cho đám đông nhiều người.
Trong đấy có ông lão
Vốn rất hay cúng dàng.
Lần ấy ông hào phóng
Cúng Phật một đồng vàng.
*
Kể xong, Đức Phật nói:
“Ông lão cúng vàng này
Đầu thai qua nhiều kiếp,
Là Trùng Tín ngày nay.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
24
NĂM TRĂM NGƯỜI ĂN MÀY
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Ngoài tôi ra còn có
Một nghìn hai trăm người,
Các tỳ kheo, đệ tử
Nguyện theo Ngài suốt đời.
Thời ấy thường luôn có
Năm trăm người ăn mày
Cứ bám theo Đức Phật
Để kiếm ăn hàng ngày.
Đám ăn mày đông đúc
Một hôm bàn với nhau:
Ta ăn xin Phật mãi
Không phải kế dài lâu.
Chi bằng ta xin Phật
Cho làm người xuất gia,
Vừa giải thoát trước mắt,
Vừa đỡ phải lo xa.
Rồi họ quì trước Phật,
Xin được làm tỳ kheo.
Phật dạy: “Đạo ta lớn,
Không phân biệt giàu nghèo.
Không phân biệt đẳng cấp
Cao thấp hoặc sang hèn.
Ai có lòng, người ấy
Được mời vào cửa thiền.”
Nghe Phật nói như thế,
Cả bọn cảm ơn Ngài.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”
Lập tức, quần áo họ
Biến thành áo cà-sa.
Tóc rụng hết, và họ
Thành người của Thích Ca.
Rất chăm lo tu luyện,
Năm trăm người ăn mày
Chứng quả A La Hán.
Thật lạ lùng chuyện này.
Thấy thế, nhiều hào trưởng
Và phật tử nghĩ rằng
Cho ăn mày chứng quả
Là việc không công bằng.
Cũng suy nghĩ như thế
Là Thái Tử Kỳ Đà.
Ông sửa soạn chay lễ
Mời Đức Phật đến nhà.
Ông cho người dặn trước,
Rằng ông chỉ mời Ngài
Cùng chư tăng đệ tử,
Và “không mời thêm ai”.
Đức Phật hiểu, cười mỉm,
Bảo những người ăn mày,
Giờ là các La Hán,
Phải thế này, thế này…
Hôm sau, khi Đức Phật
Đã an tọa trong phòng,
Bỗng năm trăm La Hán
Bay xuống từ trên không.
Họ oai nghi, đĩnh đạc,
Có tướng mạo thần linh.
Thái Tử mừng, chợt nghĩ:
Thật phúc đức nhà mình.
Ông quay sang hỏi Phật
Là ai các vị này.
“Là năm trăm La Hán
Trước vốn là ăn mày.”
Thái Tử lấy làm lạ
Bèn hỏi Phật vì sao
Những người này hèn kém
Giờ thành bậc thanh cao.
Thích Ca Mâu Ni Phật,
Như nhiều lần trước đây,
Đã kể một câu chuyện
Để giải thích điều này.
*
Cách đây vô lượng kiếp,
Một nước rộng bao la
Có một ngọn núi lớn
Tên là Sự Bạt Ta.
Thời đó, trên núi ấy
Có đúng hai nghìn người
Gọi là Bích Chi Phật
Đã sinh sống bao đời.
Bỗng thần linh nổi giận,
Hạn hán mười năm liền.
Đồng cháy khô, dân đói,
Đâu cũng nghe tiếng rên.
Có một ông trưởng giả,
Tên là Tán Đà Ninh.
Nhà ông giàu, nhiều thóc,
Thường giúp đỡ dân tình.
Do ở lâu trên núi,
Bị thiếu ăn nhiều ngày.
Một nghìn Bích Chi Phật
Phải đến gặp ông này.
Họ nói: “Thưa trưởng giả,
Lương thực chẳng còn gì.
Ông giúp chúng tôi chứ?
Không, chúng tôi sẽ đi.”
Ông trưởng giả liền đáp:
“Mời các vị ngồi chơi.
Xin chờ cho một chốc,
Chúng tôi sớm trả lời.”
Ông hỏi người quản lý:
“Liệu kho thóc nhà ta
Nuôi đủ nghìn cư sĩ
Ăn và ở trong nhà?”
Người kia đáp: “Dạ được.
Thóc trong kho còn nhiều,
Nuôi đủ một nghìn vị,
Ba bữa sáng, trưa, chiều.”
Ông trưởng giả quay lại:
“Các vị đã đến đây,
Thì chúng tôi thành kính
Mời ở lại nhà này.”
Hôm sau, nghìn vị khác
Lại kéo đến, thật đông.
Một nghìn bạn của họ
Đang tá túc nhà ông.
Họ nói: “Thưa trưởng giả,
Lương thực chẳng còn gì.
Ông giúp chúng tôi chứ?
Không, chúng tôi sẽ đi.”
Ông trưởng giả liền đáp:
“Mời các vị ngồi chơi.
Xin chờ cho một chốc,
Chúng tôi sớm trả lời.”
Ông lại hỏi quản lý:
“Liệu kho thóc nhà ta
Có đủ để nuôi cúng
Nghìn vị nữa trong nhà?”
Quản lý đáp: “Còn đủ.”
Thế là ông rộng lòng
Nuôi hai nghìn cư sĩ
Ăn ở tại nhà ông.
Hơn thế, ông trưởng giả
Thuê những năm trăm người
Lo cơm nước, giặt giũ
Và hầu hạ nghỉ ngơi.
Năm trăm người hầu ấy
Phải làm việc luôn tay.
Mệt quá, họ thầm rủa
Đám “đạo sĩ ăn mày”.
Vô tình hay chủ ý,
Có lần họ còn quên
Không mời các đạo sĩ
Thọ trai và ngự thiền.
May những lần như thế,
Có con chó lông vàng
Chạy đến sủa mấy tiếng,
Báo đến giờ cúng dàng.
Về sau con chó ấy
Được đầu thai làm người,
Sớm biết ngôi Tam Bảo,
Nhận ân phước suốt đời.
Một hôm, các đạo sĩ
Bảo trưởng giả thế này:
“Trời sắp có mưa lớn,
Hãy chuẩn bị cấy cày.”
Quả nhiên, trời mưa thật,
Lúa xanh mởn một màu,
Nhưng thật lạ, cây lúa
Lại cho những trái bầu.
Những trái bầu lạ ấy
To, chín dần ngoài đồng,
Khi thu hoạch đem bổ,
Thấy lúa đầy bên trong.
Ông trưởng giả mừng lắm.
Vụ ấy ông trúng to.
Ngoài số giúp dân chúng,
Thóc còn chất đầy kho.
Năm trăm người đầy tớ
Thấy sự lạ lúa - bầu,
Biết các vị linh hiển,
Bèn vội vã cúi đầu
Xin các Bích Chi Phật
Tha tội láo, dèm pha.
Các vị phát lòng thiện
Và cuối cùng đã tha.
*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo mọi người thế này:
“Năm trăm người đầy tớ
Phải thành người ăn mày
Trong suốt năm trăm kiếp
Vì một lời dèm pha.
Còn ông trưởng giả ấy
Là tiền thân của ta.”
Thái Tử và dân chúng
Vừa nghe Ngài thuyết xong,
Liền cung kính sụp lạy,
Rất hoan hỉ trong lòng.
Mọi người nghe, ngưỡng mộ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
25
BỐ THÍ ĐẦU MÌNH
Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang lưu trú
Trong vườn cây A La.
Ngài bảo tôi: “Vạn vật
Ở đời này nhiễu nhương,
Có sinh là có tử,
Chuyện ấy rất bình thường.
Phải có tứ thần túc
Mới được một kiếp người.
Mà ta thì cũng vậy,
Tứ thần túc, một đời.
Thử hỏi con có biết,
Kể từ ngày hôm nay
Ta sống bao lâu nữa
Ở cõi vô thường này?”
Tôi đứng im, tắc tị.
Ngài bảo: “Con lui ra,
Suy ngẫm cho thật kỹ,
Rồi quay vào bảo ta.”
Tôi vừa rời Tịnh Xá
Thì có ma Ba Tuần
Đến cúi chào Đức Phật,
Nhắc Ngài nhập Niết Bàn.
“Đức Thế Tôn giáo hóa,
Tế độ thế là lâu.
Nay tuổi cao, sức yếu,
Nên để dành kiếp sau.”
Đức Phật lấy dúm đất,
Để lên lòng bàn tay:
“Số người ta giáo hóa
Chỉ bằng nhúm đất này.
Trong khi người cần cứu
Đầy rẫy khắp thế gian.
Không sao, ba tháng nữa
Ta sẽ nhập Niết Bàn.”
Quỉ vương nghe, mừng lắm,
Rồi đảnh lễ, ra về.
Lúc ấy tôi ngồi nghỉ
Dưới bóng cây bồ đề.
Bất chợt tôi thiu ngủ,
Thấy giấc mơ hãi hùng.
Có một cây to lớn,
Lá xum xuê một vùng.
Nó mang lại bóng mát
Cho người và cho đời,
Thế mà giông bão nổi,
Đánh nó gãy tơi bời.
Tôi tỉnh dậy, sợ quá,
Liền vào gặp Thích Ca,
Kể lại giấc mơ lạ.
Ngài nói: “A Nan Đà,
Đúng thế, ba tháng nữa
Ta viên tịch.” Nghe xong
Tôi sụp lạy, kinh sợ,
Rất đau đớn trong lòng.
Sau đó các đệ tử
Xúm xít thăm hỏi Ngài.
Mặt ai cũng buồn bã,
Thở vắn rồi than dài.
Tôn giả Xá Lợi Phất
Quì trước Phật nhân từ:
“Đôi mắt của thế giới
Sắp nhắm lại rồi ư?
Bạch Thế Tôn cao quí,
Con không thể nhìn Ngài
Viên tịch trước, vì vậy,
Con xin đi trước Ngài.”
Rồi tôn giả quì gối
Đi đúng một trăm vòng
Quanh chỗ Phật đang ngự,
Trên đầu gối sưng phồng.
Tôn giả đặt chân Phật
Lên đỉnh đầu của mình,
Rồi nói lời vĩnh biệt,
Trở về nơi từng sinh.
Đức vua A Xà Thế
Ở nước La Duyệt Kỳ
Quê hương ông ngày nhỏ,
Vốn đại đức, từ bi
Cùng rất nhiều phật tử
Đích thân đến viếng ông,
Sai làm lễ thiêu xác
Trước mặt cả đám đông.
Từ trên cao vòi vọi,
Đế Thích và chư thiên
Cho xe rồng xuống đón,
Chở hồn ông bay lên.
Sau đó, cả y bát
Và xá lợi của ông
Được đem đến dâng Phật.
Ai nhìn cũng đau lòng.
Chứng kiến những cảnh ấy,
Cả tôi, A Nan Đà,
Cũng than khóc, sụp lạy
Trước Đức Phật Thích Ca:
“Bẩm Thế Tôn, Tôn giả
Lên Niết Bàn, giờ đây
Ai là người nâng đỡ
Bọn chúng con từ nay?”
Phật đáp: “Xá Lợi Phất
Lên Niết Bàn, vì ông
Không muốn ta lên trước.
Ngẫm mà thật đau lòng.
Không chỉ giờ mới thế,
Mà nghìn kiếp cách đây,
Ông cũng tranh chết trước.”
Rồi Phật kể chuyện này.
*
Xưa có ông vua nọ,
Tên là Bà La Tỳ,
Tám mươi tư nghìn nước
Và hai vạn bà phi.
Vua tột cùng giàu có,
Nước tột cùng bình yên.
Một hôm vua chợt nghĩ
Trong khi đang ngồi thiền:
“Người nông dân làm ruộng,
Phải vất vả phải cấy cày
Mới có mùa thu hoạch.
Rất đơn giản điều này.
Con người không tích đức,
Không bố thí bây giờ
Thì kiếp sau ân phước
Lấy gì mà trông chờ?”
Rồi ngài liền ra lệnh
Cho mở kho của mình,
Đem tiền bạc, thóc gạo
Phát chẩn cho dân tình.
Ngài cũng bắt thủ lĩnh
Các nước nhỏ của ngài
Phải làm điều tương tự,
Không né tránh, không sai.
Ngài lớn tiếng tuyên bố
Bất kỳ ai, cần gì,
Xin ngài, nếu ngài có,
Sẽ cho ngay tức thì.
Một ông vua nước nọ,
Là Tỳ Ma Tư Na,
Thấy thế, sinh hằn học
Liền nảy ý gian tà.
Hắn rắp tâm muốn giết
Đức vua Bà La Tỳ,
Bèn treo giải rất lớn,
Hứa sẽ chẳng tiếc gì.
Cuối cùng có đạo sĩ
Tên là Lao Độ Sai,
Hứa bảy ngày nhất định
Sẽ đem nộp đầu ngài.
Hắn ung dung đi thẳng,
Đến đứng trước cổng thành:
“Tôi muốn gặp bệ hạ,
Một đức vua lòng lành.
Ngài nhiều lần đã nói
Sẵn sàng tiếp mọi người,
Tiếp và cho bố thí.
Ngài nói, chắc giữ lời.”
Tất nhiên là như thế,
Đức vua Bà La Tỳ
Cho hắn vào, còn hứa,
Bố thí chẳng tiếc gì.
Vua bất chấp điềm gở,
Bất chấp cả lời can,
Ra lệnh cho hắn gặp
Dù biết hắn người gian.
Hắn vào, mặt nhâng nháo,
Lớn tiếng xin cái đầu
Trên cổ vua lúc ấy.
Mọi người liếc nhìn nhau.
Thế mà vua đồng ý,
Hẹn hắn sau bảy ngày
Đến lấy của bố thí
Mà hắn xin hôm nay.
Vua tám tư nghìn nước,
Hai vạn bà quí phi,
Một vạn vị quan lớn
Khóc xin Bà La Tỳ.
Nhưng Ngài vẫn cương quyết
Chờ đến ngày nộp đầu.
Cả cung thành bất chợt
Chìm trong nỗi buồn đau.
Quan đại thần, Đại Nguyệt,
Định thay cho đầu ngài,
Bằng nghìn đầu thất bảo,
Đưa cho Lao Độ Sai.
Nhưng hắn không chịu nhận,
Còn bắt vua một mình
Đưa hắn ra vườn vắng
Để hắn tiện hành hình.
Quan Đại Nguyệt thấy thế,
Uất ức, hộc máu tươi,
Rồi vỡ tim mà chết
Trước vua và mọi người.
Lao Độ Sai còn láo
Bắt vua tự trói mình
Để hắn chém cho dễ.
Ngẫm thằng này cũng kinh.
Vua đồng ý, còn nói,
Chém xong, xin vui lòng
Đặt chiếc đầu bị chém
Lên tay tôi, dâng ông.
Khi hắn giơ dao chém,
Từ trên cây, Thụ Thần
Hóa phép làm hắn ngã,
Chiếc dao nằm dưới chân.
Vua ngửa mặt và nói:
“Tôi đã hiến xưa nay
Chín trăm chín mươi chín
Chiếc đầu ở cây này.
Vậy xin thần đừng cản
Lần hiến đầu cuối cùng,
Tức một nghìn đầu chẵn.”
Thụ Thần đành phải dừng.
Lao Độ Sai chồm dậy,
Chém một nhát, đầu ngài
Được nâng lên dâng hắn
Bằng tay của chính ngài.
Nghe tin ngài bị chém,
Vua Tỳ Ma Tư Na
Vui, vỡ tim mà chết,
Đáng đời vua gian tà.
Cũng vỡ tim như hắn
Là tên Lao Độ Sai,
Vì buồn không có thưởng
Cho chiếc đầu của ngài.
*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Ông vua hiến đầu ấy
Là tiền kiếp của ta.
Còn đại thần Đại Nguyệt
Tranh ta chết ngày nào
Chính là Xá Lợi Phất,
Một con người thanh cao.”
Mọi người nghe, ngưỡng mộ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
26
BỐ THÍ MẮT MÌNH
Tôi tận mắt chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài ở Xá Vệ,
Trong vườn cây Kỳ Đà.
Lúc bấy giờ Đức Phật
Đang giảng trước đám đông
Về giới và chính pháp,
Ai nghe cũng nức lòng.
Có ông lão mù mắt,
Đẳng cấp Bà La Môn,
Ngồi bên vệ đường bẩn,
Vẻ chán nản, đau buồn.
Nghe người đi rầm rập,
Ông hỏi có chuyện gì.
Người ta bảo đi gặp
Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ông cũng muốn đi lắm,
Nhưng khốn nỗi mù lòa.
Cuối cùng có người nọ
Đồng ý dắt ông già.
Vừa nghe Phật thuyết giảng,
Đôi mắt mù, lạ thay,
Bỗng nhìn thấy ánh sáng,
Mồn một giữa ban ngày.
Ông chiêm ngưỡng Đức Phật -
Hào quang quanh đầu Ngài.
Đúng tám mươi vẻ đẹp,
Và tướng tốt - ba hai.
Ông sụp lạy xuống đất,
Xin Ngài cho đi theo.
Đức Thế Tôn hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Lập tức, tóc ông rụng,
Bộ áo cũ sờn mòn
Thành áo cà-sa mới.
Ông trở thành sa-môn.
Không bao lâu sau đó,
Nhờ chuyên tâm tu hành,
Ông chứng A La Hán,
Cao quí và hiển danh.
Thấy sự lạ như vậy,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ duyên cớ,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
Phật đáp: “Đã lâu lắm,
Qua nhiều A Tăng Kỳ,
Có ông vua vĩ đại,
Bác ái và từ bi.
Con người nhân đức ấy
Tên là Tu Đề La,
Có đôi mắt kỳ diệu,
Nhìn bốn mươi dặm xa.
Vua bốn vạn nước nhỏ,
Hai vạn bà phu nhân,
Với năm trăm thái tử
Và một vạn đại thần.
Vì là vua nhân đức
Nên đất nước thanh bình,
Dân an cư lạc nghiệp,
Không cướp bóc, chiến tranh.
Một hôm, vua chợt nghĩ:
Đất nước ta mạnh giàu,
Giờ phải làm việc thiện
Để lấy phước về sau.
Rồi ngài liền ra lệnh
Mở tất các kho,
Phát thóc gạo nhà nước
Cho dân ăn kỳ no.
Bốn mươi nghìn nước nhỏ
Cũng nhận được lệnh này.
Họ mở kho phát chẩn,
Hào phóng và hàng ngày.
Thế mà có người nọ,
Vua một nước chư hầu,
Lại không theo lệnh ấy,
Không sợ bị chém đầu.
Ông vua hỗn láo đó
Tên là Bà Bạt Di,
Vốn vô đạo, hung ác,
Chẳng coi ai ra gì.
Các quan khuyên phải trái,
Vua nhất quyết không theo,
Không mở kho phát chẩn
Cứu đói cho người nghèo.
Hay tin này hỗn láo,
Lập tức Tu Đề La
Dấy đại binh cả nước
Thề giết chết ông ta.
Bà Bạt Di sợ hãi,
Định bỏ trốn đi ngay,
Thì có viên quan nọ,
Hiến diệu kế thế này:
“Tâu bệ hạ đáng kính,
Đức vua Tu Đề La
Từng long trọng tuyên bố,
Trừ hai thân, mẹ cha,
Ngài sẽ không ngần ngại
Cho tất cả mọi người
Những gì ngài đang có.
Quả hào hiệp nhất đời.
Bệ hạ hãy nhanh chóng
Cho một người mù lòa
Đến xin đôi mắt sáng
Của vua Tu Đề La.”
Bà Bạt Di lập tức
Cho đưa lên kinh đô
Một ông già mù mắt,
Rách rưới và gầy gò.
Ông là một đạo sĩ,
Đẳng cấp Bà La Môn,
Có học, giỏi ăn nói,
Biết ứng xử rất khôn.
Vào cung, ông lão ấy
Xin mắt Tu Đề La.
Thế mà vua, thật lạ,
Đồng ý cho ông ta.
Cả triều đình than khóc
Và van xin, không ai
Nỡ cầm chiếc dao nhọn
Khoét đôi mắt của ngài.
Có một gã đồ tể
Cuối cùng đã được mua.
Hắn khoét một con mắt
Rồi đặt lên tay vua.
Vua liền cất lời thệ,
Nâng con mắt trên tay:
“Tôi tình nguyện dâng mắt
Cho ông già mù này.
Để ông mắt lại sáng,
Lại được thấy mặt trời.
Để tôi, sau thành Phật
Cứu độ cho mọi người.”
Ngài đặt con mắt ấy
Vào hố mắt ông già.
Ông này liền nhìn thấy
Ánh mặt trời chói lòa.
“Tâu bệ hạ,” ông nói.
“Bằng mắt ngài cho tôi,
Tôi nhìn thấy rất rõ.
Như thế đủ lắm rồi.
Con mắt kia còn lại
Ngài hãy giữ cho mình.
Ngài rất cần đến nó.
Ngài, vị vua hiền minh.”
“Ta hứa cho hai mắt
Thì ngươi cứ nhận đi.
Để cứu người, tích đức,
Ta chẳng tiếc cái gì.”
Nói đoạn, ngài ra lệnh
Móc đưa cho ông già
Con mắt mình còn lại.
Mắt vua Tu Đề La.
Lập tức trời nghiêng ngả,
Thiên nhân xếp hàng dài
Từ trên cao bay xuống,
Cùng sụp lạy trước ngài:
“Ngài là vị Bồ Tát,
Đại đức, đại từ bi.
Xin ngài hãy cho biết
Sau muốn trở thành gì?”
Vua đáp lễ rồi nói:
“Tôi nhường mắt cứu người,
Chỉ muốn được thành Phật
Cứu chúng sinh, cứu đời.”
“Chắc ngài phải đau lắm?”
“Không, không đau chút nào.”
“Bị móc hai con mắt,
Ngài bảo không đau sao?”
Thấy thiên nhân nghi kỵ,
Vua ngửa mặt lên trời,
Phát nguyện: “Tôi hiến mắt
Chỉ thành tâm cứu người.
Tôi không hề đau đớn.
Nếu tôi nói thực lòng,
Xin hãy cho sáng mắt.
Bây giờ, trước các ông!”
Vừa dứt lời, đôi mắt
Của vua Tu Đề La
Liền nguyên lành trở lại,
Nhìn bốn mươi dặm xa.
Xong, vua quay sang nói
Với người xin mắt mình:
“Mai sau ta còn tặng
Mắt trí tuệ, thông minh.”
Ông này về báo lại
Với vua Bà Bạt Di.
Tên vua độc ác ấy,
Sợ quá, chết tức thì.
Kể đến đây, Đức Phật,
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Ông vua cho mắt ấy
Là tiền kiếp của ta.
Còn ông già mù mắt
Là ông già mù này,
Người được ta từng hứa
Cho đắc đạo hôm nay.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
27
NĂM TRĂM NGƯỜI MÙ
Lần ấy ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Bấy giờ, ở nước cạnh,
Là nước Tỳ Xá Ly,
Năm trăm người mù mắt
Thường tự dắt nhau đi.
Họ xin ăn, đói khổ,
Ngủ vật vạ bên đường,
Cơm bữa no bữa đói,
Nhìn mà thấy thật thương.
Rồi họ nghe người nói,
Ai thấy Phật Như Lai,
Bệnh tật nào cũng khỏi
Nhờ hưởng ân đức Ngài.
Ai mù, mắt sẽ sáng,
Ai đói có cơm ăn,
Người loạn trí tỉnh lại,
Người gù, lưng thẳng dần.
Thế là họ quyết định
Dắt nhau đi gặp Ngài.
Nhưng Xá Vệ xa lắm,
Đường vừa khó vừa dài.
Họ không ngớt van vỉ
Ai đó giúp dẫn đường,
Nhưng ai cũng từ chối,
Dẫu thương thì vẫn thương.
Cuối cùng họ quyết định
Tích góp năm trăm đồng.
Ai dẫn đường đưa họ,
Đó sẽ là tiền công.
Có người nhận việc ấy.
Cầm tiền xong, anh này
Bảo mình sẽ đi trước,
Còn họ, thành một dây,
Bám vai nhau mà bước,
Tuyệt đối không được rời,
Chắc sẽ không bị lạc
Và nhanh chóng tới nơi.
Nhưng vài ngày sau đó,
Tới nước Ma Kiệt Đà,
Anh ta bỏ đi mất,
Mặc cho họ kêu la.
Năm trăm người mù mắt
Đứng ngơ ngác giữa đồng,
Dẫm nát cả ruộng lúa
Của một bác nhà nông.
Bác giận, nhưng biết họ
Bị bỏ rơi dọc đường,
Mù, đang muốn gặp Phật,
Nên chuyển giận thành thương.
Bác cho người dẫn họ
Đi tiếp, đường còn xa.
Tới Xá Vệ thì Phật
Đã sang Ma Kiệt Đà.
Họ kéo nhau sang đấy,
Thì Phật đã quay về.
Đúng bảy lần như thế
Mới gặp Ngài, may ghê.
Nhờ hào quang của Phật
Cả năm trăm con người
Tự nhiên mắt lại sáng,
Được thấy ánh mặt trời.
Họ cúi đầu, vui sướng,
Cảm tạ Phật lòng lành,
Rồi đồng thanh xin phép
Được làm người tu hành.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Biết năm trăm người nghèo
Thực sự muốn qui Phật,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Lập tức quần áo họ
Biến thành áo cà-sa,
Tóc rụng hết, và họ
Thành người của Thích Ca.
Tôi lấy thế làm lạ,
Bèn cung kính hỏi Thầy.
Và Đức Phật đã kể
Một câu chuyện thế này.
*
Cách đây vô lượng kiếp,
Có một đám rất đông
Năm trăm nhà buôn chuyến
Vượt qua một cánh đồng.
Họ đến một hang đá,
Rất hiểm trở và sâu,
Hai bên là vách núi.
Hang tối đen một màu.
Lại nghe nói vùng ấy
Có nhiều bọn cướp đường.
Chúng sẽ cướp hàng hóa,
Giết người không xót thương.
Mọi người rất lo sợ.
Làm thế nào bây giờ?
Hang tối, không đi được,
Cũng không thể ngồi chờ.
Bỗng một người trong họ
Nói: “Đừng buồn làm gì.
Tôi đã nghĩ được cách
Đưa cả đoàn ta đi.”
Nói đoạn, con người ấy,
Vốn ít lời xưa nay,
Lấy miếng lụa Bạch Điệp
Tự mình quấn vào tay.
Anh tẩm dầu, châm lửa,
Rồi đi trước dẫn đầu,
Giơ cánh tay - bó đuốc
Soi đường người đi sau.
Cứ thế, họ dò dẫm
Đi liên tục bảy ngày,
Vấp ngã rồi đứng dậy,
Mới ra khỏi hang này.
*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Người đốt tay làm đuốc
Là tiền kiếp của ta.
Do ta dám dũng cảm
Hy sinh vì mọi người,
Nên nay ta chứng quả
Đặc tôn ba cõi đời.
Năm trăm nhà buôn ấy
Nay là những người mù,
Được ta cứu lần nữa
Để theo đường chân tu.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
28
PHÚ NA KỲ
Tôi tận mắt chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang tá túc
Trong vườn cây Kỳ Đà.
Thời ấy ở Phóng Bát,
Một nước lớn kề bên
Có ông Đàm Ma Tiện,
Rất lắm ruộng, nhiều tiền.
Ông nổi tiếng nhân đức,
Có hai người con trai.
Tiện Na - con thứ nhất.
Tỷ Kỳ Đà - thứ hai.
Một lần ông ốm nặng.
Cho mời nhiều thầy lang,
Cung phụng rất chu đáo,
Lại còn thưởng bạc vàng.
Bọn thầy lang thất đức
Thấy vậy bèn cố tình
Không chạy chữa gì cả
Để kiếm lợi cho mình.
Nhà có cô đầy tớ
Thông minh và nết na,
Thấy thế, báo ông chủ,
Khuyên đuổi chúng khỏi nhà.
Rồi tự cô chăm sóc,
Lo thuốc thang cho ông.
Chẳng bao lâu ông khỏi,
Rất biết ơn, hài lòng.
Ông nói ông muốn thưởng
Cái gì đấy cho cô.
Cô người ở bèn đáp,
Không phải không thẹn thò,
Rằng từ lâu cô muốn
Được ông chủ thương tình
Cho một đêm ân ái
Trên giường ngủ của mình.
Ông chủ cười, đồng ý.
Sau chín tháng, đến thì,
Cô sinh được cậu bé,
Đặt tên Phú Na Kỳ.
Cậu bé ấy khôn lớn,
Thành chàng trai tuyệt vời,
Thông minh và tháo vát,
Lại chịu khó, thương người.
Tiếc, thân phận hèn mọn,
Tức là con cô hầu,
Chàng không được yêu quí
Như hai người con đầu.
Sau khi ông chủ chết,
Anh hai, Tỷ Kỳ Đà,
Muốn hãm hại em út,
Bèn bàn với Tiện Na.
May Tiện Na, anh cả,
Thương em Phú Na Kỳ,
Bèn cho ít vàng bạc
Rồi bảo em trốn đi.
Chắc do trời dun dủi,
Chàng mua gỗ ngưu đầu
Và chiên đàn, để đấy.
Không nghĩ mấy tháng sau
Hoàng hậu lâm bệnh nặng,
Muốn khỏi, phải uống than
Của hai loại gỗ ấy,
Ngưu đầu và chiên đàn.
Vua cho người tìm kiếm,
Nhưng tìm mãi không ra.
Phú Na Kỳ dâng gỗ,
Chữa khỏi bệnh cho bà.
Chàng được vua ban thưởng
Đúng một nghìn lạng vàng.
Chàng đem số tiền ấy
Một phần chia dân làng,
Phần còn lại mua đất,
Mười mẫu thượng đẳng điền,
Xây nhà, thuê người ở,
Sống sung sướng như tiên.
Sau đó, chàng cùng bạn
Sắm thuyền đi buôn xa.
Họ gặp cá Ma Kiệt
Khi biển nổi phong ba.
Nhưng nhờ lời khấn Phật,
Họ thoát được tử thần,
Trở về nhà nguyện vẹn,
Giàu có gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, sau lần ấy,
Ngưỡng mộ Phật Thích Ca,
Thấy cuộc đời bèo bọt,
Chàng quyết định xuất gia.
Cùng năm trăm người khác,
Bạn đi buôn với mình,
Chàng đến gặp Đức Phật,
Nói rõ hết sự tình.
Cả bọn cùng cúi lạy,
Một lòng xin đi theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Ngay lập tức, tất cả
Đúng năm trăm nhà buôn
Nhờ phép màu của Phật,
Thành năm trăm sa-môn.
Sau đó, nhờ tu luyện
Tất cả năm trăm người
Chứng quả A La Hán,
Được vinh hiển muôn đời.
Do nghiệp chướng quá nặng,
Phú Na Kỳ, tiếc thay,
Chỉ được chứng sơ quả,
Dù kinh kệ suốt ngày.
Mùa an cư năm ấy
Đức Phật cho mọi người
Muốn đi đâu tùy ý,
Để tu luyện ngoài đời.
Phú Na Kỳ xin phép
Được trở về quê hương,
Tức vương quốc Phóng Bát
Để khất thực trên đường.
Chàng bị mọi người mắng,
Bị đánh đập nhiều khi,
Nhưng thản nhiên chịu đựng,
Coi như không chuyện gì.
Sau ba tháng như vậy,
Tội chướng tiêu tan dần,
Chàng chứng A La Hán,
Rũ hết sạch bụi trần.
Được chứng kiến chuyện ấy,
Tôi, tức A Nan Đà,
Rất tò mò muốn biết,
Bèn hỏi Phật Thích Ca:
“Bạch Thế Tôn cao quí,
Xin Thầy nói cho hay,
Phú Na Kỳ kiếp trước
Làm gì nên nỗi này?”
Phật Thích Ca bèn đáp:
“Chuyện từ xưa, đã lâu,
Thời Đức Phật Ca Diếp,
Có một ông nhà giàu.
Ông phát tiền công đức,
Xây ngôi chùa gần nhà,
Nuôi chư tăng, cúng Phật,
Người tấp nập vào ra.
Sau khi ông bố chết,
Người con trai lên thay,
Cũng qui y, nhập Phật,
Cai quản ngôi chùa này.
Chùa rất đông sư sãi,
Có nhiều vị cao niên.
Hàng ngày họ dọn dẹp
Trước khi ngồi định thiền.
Có tỳ kheo nào đó,
Phiên trực nhật, một lần,
Nhổ cỏ xong, không dọn,
Để chất đống ngoài sân.
Ông chủ chùa cáu gắt,
Mắng: “Ai nhổ, dọn đi.
Đúng là lười và bẩn,
Như một con nô tỳ.”
Ông không biết người ấy,
Bị mắng lười, thấp hèn,
Là một bậc La Hán,
Đáng kính và cao niên.
Đến đây, Đức Phật nói:
“Tỳ kheo Phú Na Kỳ
Là chủ chùa đã mắng
Vị sư già từ bi.
Và rằng vì tội ấy,
Trong suốt năm trăm năm,
Ông đầu thai hèn kém,
Để chuộc lại lỗi lầm.
Giờ nghiệp chướng đã hết,
Do tu đức giúp đời,
Ông chứng A La Hán,
Vinh hiển như mọi người.”
Chúng tôi nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
29
NGƯỜI ĐỔ PHÂN THUÊ
Tôi may mắn chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang tá túc
Trong vườn cây Kỳ Đà.
Thời ấy thành Xá Vệ
Chật hẹp, lại đông dân
Nên việc đại tiểu tiện
Thành phức tạp bội phần.
Người giàu thường đại tiện
Vào bô bạc hoặc sành,
Rồi thuê người nghèo khổ
Đem đi đổ ngoài thành.
Có một người hạ tiện,
Tên ông là Ni Đề,
Nhà nghèo, chỉ kiếm sống
Bằng cách đổ phân thuê.
Đức Phật biết người ấy
Nghiệp chướng xưa đã tan,
Và nay chính là lúc
Đưa ông lên Niết Bàn.
Một hôm tôi theo Phật
Vào thành gặp người này.
Vừa mới đến đầu phố,
Thấy ông, như mọi ngày
Đang gánh phân đi đổ.
Nhìn thấy Phật, ông ta
Liền xấu hổ lảng tránh,
Đứng nép sau góc nhà.
Bất ngờ, Phật xuất hiện,
Ông luống cuống, và rồi
Va thùng vào tường gạch,
Ngã, phân lấm đầy người.
Ông ta ngồi úp mặt,
Không dám ngước lên trông.
Phật hỏi: “Ông có muốn
Theo ta xuất gia không?”
“Bạch Thế Tôn cao quí,
Con hạ tiện, hèn nghèo,
Làm sao dám hỗn láo
Mơ ước thành tỳ kheo?”
Phật đáp: “Đạo ta lớn,
Không phân biệt sang hèn.
Ai muốn đều có thể
Bước chân vào cửa thiền.”
Ni Đề nghe, lập tức
Sụp lạy Phật Thích Ca,
Vui mừng đến phát khóc,
Xin được phép xuất gia.
Ngài sai tôi nhanh chóng
Đưa Ni Đề ra sông,
Giúp tắm rửa sạch sẽ
Rồi thay áo cho ông.
Sau khi về Tịnh Xá,
Người gánh phân thuê nghèo
Được Đức Phật thuyết pháp,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Lập tức tóc ông rụng,
Áo thành áo cà sa.
Từ đó ông chính thức
Là người của Thích Ca.
Ông nghe Phật giảng pháp,
Đầu óc ngộ rất nhanh,
Rồi chứng A Lan Hán,
Đủ các phép Thần, Minh.
Người dân trong thành phố
Hay tin về Ni Đề,
Không che giấu khinh bỉ
Và những lời cười chê.
“Cái lão gánh phân ấy
Nay thành tỳ kheo à?
Sao phải cúng dàng lão?
Sao phải cho vào nhà?”
Đức vua Ba Tư Nặc
Nghe hết những lời đồn.
Vua cũng không thích lắm,
Bèn gặp Đức Thế Tôn.
Khi xe đến Tịnh Xá,
Vua thấy một nhà sư
Vá áo trên tảng đá,
Nét mặt rất nhân từ.
Bên cạnh ngài đang có
Bảy trăm người nhà trời
Dâng hoa và múa hát,
Chắc giúp ngài nghỉ ngơi.
Vua lại gần, đảnh lễ
Rồi nói ý định mình.
“Mời bệ hạ ngồi nghỉ,
Để tôi vào thưa trình.”
Nói xong nhà sư ấy
Khẽ cúi chào, và rồi
Chui qua tảng đá lớn
Mà trước đấy đã ngồi.
Lát sau ngài quay lại,
Báo Đức Phật đang chờ,
Cũng chui qua tảng đá,
Làm nhà vua sững sờ.
Vua thầm nghĩ: Trước hết
Phải hỏi Phật, người này
Là ai mà giỏi vậy,
Chui qua đá, lạ thay.
Phật đáp: “Ngài muốn biết
Nhà sư ấy là ai?
Là người hèn hạ nhất
Trong vương quốc của ngài.
Ni Đề là tên họ,
Trước làm nghề đổ phân,
Nay là vị La Hán
Phép thần thông như thần.
Bệ hạ bận trăm việc,
Đến thăm ta hôm nay,
Chắc không phải vô cớ,
Ngài muốn hỏi người này?”
Đức vua Ba Tư Nặc
Cúi rất thấp trước Ngài:
“Xin Thế Tôn cho biết
Trước người này là ai,
Đã làm gì nên tội
Để thành người đổ phân,
Rồi chứng A La Hán,
Phép thần thông như thần?”
Để trả lời, Đức Phật
Đã kể câu chuyện này,
Cũng lại về nhân quả,
Chí lý và rất hay.
*
Vô lượng kiếp về trước,
Nghìn vạn cõi nhân gian,
Khi Đức Phật Ca Diếp
Sinh và nhập Niết Bàn.
Có mười vạn tăng phật
Sống ở rừng Tùng Lâm.
Một hôm, vị tăng chủ
Kiết lỵ mãi không cầm.
Ông cậy thế tăng chủ,
Không chịu ra nhà cầu,
Mà đi vào bô bạc
Bắt một người đổ hầu.
Người ấy, ông không biết,
Đã chứng Tu Đà Hoàn.
Vậy là ông đã bắt
Một thánh nhân đổ phân.
Vì sự phạm thượng đó,
Người ấy, tức Ni Đề,
Trong suốt năm trăm kiếp
Làm người đổ phân thuê.
*
Nghe Đức Phật nói thế,
Vua cả mừng, ôm chân
Xin lỗi người hèn mọn
Nay là bậc thánh thần.
Mọi người thấy, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
30
SƯ BÀ VI DIỆU
Lần nọ ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
Biết chuyện này có thật,
Khi theo hầu Thích Ca.
Lúc ấy, Ba Tư Nặc,
Ông vua tốt, qua đời,
Người lên thay tàn ác,
Làm mất lòng nhiều người.
Nhiều phụ nữ còn trẻ,
Con nhà giàu, nết na,
Năm trăm người tất cả,
Muốn tìm đường xuất gia.
Họ lo sợ nhục dục,
Tức chuyện lập gia đình,
Cùng yêu đương, tình ái
Sẽ mang họa cho mình.
Vì lòng còn do dự,
Họ tìm hỏi nhiều người,
Trong đấy có Vi Diệu,
Một sư bà hiểu đời.
Thay cho lời khuyên nhủ,
Bà kể câu chuyện này,
Một câu chuyện có thật,
Đau lòng và đắng cay.
*
Có người phụ nữ nọ,
Con gái một nhà giàu,
Hiền lành và đức độ,
Thế mà đời buồn đau.
Khi đến tuổi xuất giá,
Bà lấy chồng, con trai
Một gia đình trưởng giả,
Thông minh và hiền tài.
Vợ chồng sống hạnh phúc,
Rồi sinh con đầu lòng.
Khi sắp sinh đứa nữa,
Theo lệ, bà xin chồng
Về nhà bố mẹ đẻ.
Thế là sáng hôm sau,
Vợ chồng bà xuất phát
Cùng với đứa con đầu.
Mới nửa đường, trời tối,
Họ ngủ dưới gốc cây
Trong khu rừng rậm rạp,
Màn đêm đen và dày.
Bỗng nhiên bà trở dạ,
Máu đỏ chảy thành dòng.
Rắn độc liền kéo đến,
Lặng lẽ cắn chết chồng.
Sáng dậy bà mới biết,
Khóc than vì buồn đau,
Rồi bà gượng đi tiếp,
Lưng cõng đứa con đầu.
Hai tay bà ôm chặt
Đứa con nhỏ mới sinh,
Vừa khóc bà vừa bước
Giữa trời nắng một mình.
Đến một giòng sông rộng,
May nước không quá sâu,
Bà lội xuống, để lại
Trên bờ đứa con đầu.
Tới bên kia, bất chợt,
Bà thấy con trai mình
Ngã xuống sông, lập tức
Bị dòng nước cuốn nhanh.
Bà kêu lên hốt hoảng,
Đặt con nhỏ lên bờ,
Quay lại cứu thằng lớn,
Thì thú dữ bất ngờ
Đến, tha đi đứa bé,
Tức đứa con vừa sinh.
Vậy là bà còn lại
Trơ trọi chỉ một mình.
Bà nằm yên bất động
Rất lâu bên dòng sông,
Khóc đến cạn nước mắt,
Đau như xé trong lòng.
Chợt có ông già nọ,
Quen với bố mẹ bà,
Gặp, rồi báo hỏa hoạn
Thiêu cháy, chết cả nhà.
Nghe tin như sét đánh,
Bà chết ngất, ông già
Thương, đưa về chăm sóc
Như con cái trong nhà.
Mấy năm sau, khuây khỏa,
Một gia đình nhà giàu
Hiền lành và tử tế
Đến xin bà làm dâu.
Bà nhất mực không chịu,
Nhưng mọi người cứ khuyên.
Cuối cùng bà đồng ý
Đi bước nữa cho yên.
Ông chồng bà tốt bụng,
Thế mà rồi một đêm,
Đi ăn uống đâu đấy,
Trở về nhà say mèm.
Chỉ mấy phút trước đó
Bà trở dạ, sinh con.
Đang nằm yên bất động,
Mệt, còn chưa lại hồn.
Thấy vợ không mở cửa,
Giận dữ xông và nhà,
Ông chồng say điên loạn,
Bóp chết đứa con bà.
Rồi đang đêm mưa gió,
Bỏ nhà đi một mình,
Bà đến Ba La Nại,
Ngồi khóc bên cổng thành.
Một lúc sau, bất chợt,
Có một người lại gần,
Một người tốt, chững chạc,
Hỏi chuyện rất ân cần.
Ông này vừa chết vợ,
Con một đại thương gia,
Sau một lúc trò chuyện,
Tỏ ý muốn lấy bà.
Vì không nơi nương tựa,
Cuối cùng bà gật đầu.
Họ sống rất hạnh phúc,
Không ngờ ba năm sau
Ông chồng bà ốm chết.
Theo tục lệ nước ông,
Bà sẽ bị chôn sống
Để xuống mồ theo chồng.
May tối ấy bọn trộm
Đến đào mộ ông ta
Để lấy cắp vàng bạc,
Vô tình đã cứu bà.
Tên trùm thấy bà đẹp,
Bắt làm vợ của mình.
Nhưng rồi hắn bị bắt
Và bị đem hành hình.
Thế là một lần nữa
Lại bị chôn, lần này
Bà được con hổ đói
Moi bà lên, thật may,
Nó chưa kịp ăn thịt
Thì thấy người, bỏ đi.
Để mình bà ở lại,
Mê man, chẳng biết gì.
Cuối cùng, khi tỉnh dậy,
Bà sực nhớ người ta
Thường nói về ân đức
Của Đức Phật Thích Ca.
Thế là bà đi bộ,
Vượt đường dài, gian nan
Đến nơi Ngài giảng pháp
Ở vườn cây Kỳ Hoàn.
Vừa nhìn thấy Đức Phật
Rạng rỡ và uy nghi,
Bà vội vã sụp lạy,
Xin xuất gia, qui y.
Thấy bà gần lõa thể,
Ngài bảo A Nan Đà
Mang đến bộ quần áo
Rồi đặt trước mặt bà.
Ngài nhận bà vào giới
Giao cho một ni sư,
Là bà Đại Ái Đạo,
Thông tuệ và nhân từ.
Ni sư này kềm cặp,
Giúp đỡ bà tu hành,
Dạy “Vô thường”, “Tứ đế”.
Bà tiến bộ rất nhanh.
Chẳng bao lâu sau đó,
Bà đắc đạo, thành người
Hiểu rõ chuyện quá khứ
Và tương lai muôn đời.
Bây giờ bà mới biết
Sao đời bà buồn đau.
Kiếp trước bà là vợ
Một trưởng giả nhà giàu.
Ông này lấy vợ lẽ,
Một cô gái rất xinh,
Nên được ông yêu quí,
Và bà bị nhạt tình.
Thù quá mà hóa dại,
Bà lấy chiếc đinh dài,
Đóng vào đầu đứa bé
Con cô vợ thứ hai.
Về sau bà còn chối
Và thề độc rằng mình
Không hề làm điều ấy,
Viện cả các thần linh.
Rằng “Nếu tôi giết nó,
Thì chồng tôi về sau
Sẽ bị rắn cắn chết,
Con tôi, hổ xé đầu.
Bố mẹ tôi cũng vậy,
Sẽ bị cháy thành tro,
Còn tôi thì đang sống,
Sẽ bị chôn xuống mồ.
*
Đến đây, sư Vi Diệu
Nói: “Người đàn bà này
Chính là ta kiếp trước,
Nghiệp chướng đến ngày nay.”
Năm trăm cô gái trẻ
Nghe câu chuyện của bà,
Quyết dứt duyên trần tục,
Một lòng theo Thích Ca.
Trong đầu còn choáng váng
Vì những chuyện vừa nghe,
Họ cảm ơn sư cụ,
Tạ lễ, rồi ra về.
31
CON TRÂU BÁO OÁN
Tôi may mắn chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang tá túc
Trong vườn cây Kỳ Đà.
Triều vua Ba Tư Nặc
Có vị quan đại thần,
Bảy con trai, trong đó
Sáu người đã thành thân.
Ông giàu có, hiền đức,
Tên là Lê Kỳ Di.
Ông nghĩ, còn cậu út
Đã đến tuổi, đến thì.
Phải hỏi vợ cho nó.
Ông muốn tìm con dâu,
Phải thông minh, hiền thảo,
Xinh đẹp, con nhà giàu.
Kén chọn mãi không được,
Trong nước lẫn nước ngoài,
Ông bèn nhờ người bạn
Tìm vợ cho con trai.
Ông này rất hăng hái,
Liền khăn gói lên đường,
Sang tận nước Thị Lợi,
Cách những mấy ngày đường.
Ở đấy ông đã gặp
Năm trăm nữ đồng trinh
Đang hái hoa bên suối,
Mà cô nào cũng xinh.
Khi họ lội qua suối,
Ông nhận thấy một người
Không cởi dép, cứ lội,
Dẫu các bạn chê cười.
Hơn thế, cô thà ướt
Chứ không chịu xắn quần.
Một cô gái bản lĩnh,
Lại xinh đẹp tuyệt trần.
Đến một khu rừng nọ,
Các cô trèo lên cây,
Đua nhau nghịch, hái quả,
Trong khi cô gái này
Đứng yên nhìn các bạn
Hoặc lặng lẽ hái hoa.
Ông lấy thế làm lạ,
Theo cô về tận nhà.
Đến nơi, ông mới biết
Cô gái này là con
Một gia đình giàu có,
Đẳng cấp Bà La Môn.
Ông bố cô có biết
Lê Kỳ Di đại thần
Nên vui vẻ đồng ý
Để hai nhà kết thân.
Thế là liền sau đó
Lê Kỳ Di dẫn đầu
Một đoàn xe đông đảo
Sang Thị Lợi đón dâu.
Khi quay về, họ gặp
Một quán có nhiều cây.
Vì mệt, ai cũng muốn
Vào nghỉ quán trọ này.
Thế mà cô dâu mới,
Tên là Tỳ Xá Ly,
Bảo bố chồng đừng xuống,
Tiếp tục đánh xe đi.
Một lúc sau, quả thật,
Có đàn voi phát điên
Kéo đến, xô đổ quán,
Dẫm chết mấy người liền.
Đoàn xe lại đi tiếp.
Đến một khe nước nông,
Mọi người muốn dừng nghỉ,
Nhưng cô dâu bảo không.
Chỉ mấy phút sau đó
Nước đâu từ trên cao
Chảy xuống con suối ấy,
Cuộn sóng, réo ào ào.
Ông bố chồng ngồi cạnh,
Chép miệng và gật đầu:
“Hai lần mình thoát chết
Là nhờ có con dâu.”
Ông rất vui, vì vậy,
Khi vừa về đến nhà,
Giao cho cô quản lý
Ruộng đất và tư gia.
Mọi chuyện rất tốt đẹp.
Rồi một thời gian sau
Cô sinh một bọc trứng,
Ba hai quả đều nhau.
Ba hai quả trứng ấy,
Ba hai người con trai.
Lớn lên đều tuấn tú,
Thông minh và có tài.
Duy có người con út
Tính ngỗ nghịch khác người.
Một hôm, cùng bè bạn,
Cậu cưỡi voi đi chơi.
Khi đến chiếc cầu nọ,
Cậu thấy bên kia cầu
Là xe con Tể tướng.
Không ai chịu nhường nhau.
Ai cũng tranh đi trước,
Cậy nhà mình quan to.
Rồi lời qua, tiếng lại,
Rồi xẩy ra đôi co.
Cuối cùng cậu con út
Phớt lờ, coi như không,
Thúc voi, hất đối thủ,
Người và xe xuống sông.
Anh kia về mách bố.
Quan tể tướng thương con,
Thề rửa mối nhục ấy
Quyết một mất một còn.
Thời ấy có luật cấm
Mang vũ khí vào cung.
Trái luật sẽ bị chém.
Luật nghiêm khắc vô cùng.
Tể tướng bày kế độc,
Tặng con Tỳ Xá Ly
Ba hai chiếc roi ngựa
To, bằng da trơn lì.
Ông giấu con dao nhỏ
Trong mỗi chiếc roi này.
Các chàng trai không biết,
Mang vào cung hàng ngày.
Một hôm, quan tể tướng
Ghé tai vua thì thầm.
Vua cho khám roi ngựa
Tìm thấy nhiều dao găm.
Vua liền chiểu theo luật,
Mà luật có từ lâu.
Ba hai chàng trai trẻ
Lập tức bị chém đầu.
Rồi đầu họ bị chém
Cho vào hòm, tức thì
Binh lính mang hòm ấy
Đến nhà Tỳ Xá Ly.
Ở nhà bà lúc ấy
Đang có lễ thọ trai,
Có mặt cả Đức Phật
Và đệ tử của Ngài.
Tưởng vua gửi quà tặng,
Bà định mở ra ngay,
Đức Phật can, đừng mở,
Chờ ăn xong hẵng hay.
Thọ trai xong, Đức Phật
Và đệ tử ra về,
Bà mới cho người mở
Chiếc hòm lớn nặng nề.
Bà suýt ngất khi thấy
Đầu các con trai mình.
May trước đó được Phật
Cứu khỏi vòng vô minh,
Nên bà chỉ than khóc,
Chấp nhận đời phù du,
Có sống thì có chết,
Có oán thì có thù.
Nhưng gia đình đằng vợ
Các con trai của bà
Nghĩ vua giết oan trái
Các chàng rể, thế là
Họ dấy binh chống lại.
Vua phải trốn đi xa,
Tới vườn Cấp Cô Độc
Nương nhờ Phật Tích Ca.
Phiến quân kéo đến đấy,
Nhờ Phật mới chịu yên.
Tôi xin Ngài nói rõ
Mọi người biết nhân duyên.
*
Phật dạy, nhiều kiếp trước,
Có ba mươi hai người,
Đẹp trai và khỏe mạnh,
Một hôm cùng đi chơi.
Khi đến một vùng nọ,
Họ trộm được con trâu,
Quyết định đem mổ thịt,
Ăn thỏa thích với nhau.
Con trâu quì xuống lạy,
Xin tha chết, nếu không
Sau sẽ bị báo oán,
Những chuyện rất đau lòng.
Đức Phật dừng lại nói,
Khi kể xong chuyện này:
“Con trâu của kiếp trước
Là đức vua ngày nay.
Ba mươi hai người nọ
Nỡ lòng giết con trâu,
Nay là đám trai trẻ
Vừa mới bị chặt đầu.”
Mấy ông đằng nhà vợ,
Nghe hiểu chuyện oán ân,
Xin lỗi vua, tạ Phật,
Rồi lặng lẽ rút quân.
Mọi người nghe, chợt hiểu,
Cả tôi, A Nan Đà,
Đảnh lễ trước Đức Phật
Rồi lặng lẽ lui ra.
32
CON CÁ KHỔNG LỒ
Chính tôi được chứng kiến,
Phật Thích Ca Mâu Ni
Ở vườn cây Núi Trúc,
Thuộc nước La Duyệt Kỳ.
Một hôm, tắm rửa sạch,
Tôi, tức A Nan Đà,
Cung kính chắp tay lễ
Rồi bạch thầy Thích Ca:
“Xin thầy cho con biết
Nhóm Trần Như trước đây
Làm được điều gì tốt
Mà hưởng lộc kiếp này?”
Phật đáp: “Nhiều kiếp trước,
Có ông vua đã già,
Công tâm và nhân đức,
Tên là Thiết Đầu La.
Ông là vua vĩ đại,
Có bốn vạn đại thần,
Tám vạn nước lớn nhỏ,
Hai vạn bà phu nhân.
Ông thương yêu dân chúng
Như con cái trong nhà.
Người dân cảm đức ấy,
Yêu ông như yêu cha.
Bất chợt, một năm nọ
Xuất hiện điềm hỏa tinh,
Báo trước mười năm hạn.
Vua thương cho dân tình.
Cây ngoài đồng chết héo.
Người chết đói khắp nơi.
Vua mất ăn, mất ngủ,
Tiếng kêu than dậy trời.
Không nỡ nhìn dân chết,
Vua lập đàn tế trời,
Lạy tám phương, bốn hướng,
Đau xót cất thành lời:
“Tôi là vua, dân đói,
Xin các vị chư thần,
Cho tôi thành con cá
Để dân có cái ăn!”
Dứt lời, ngài lập tức
Thành con cá rất to,
Thân dài hàng trăm mét,
Như ngọn núi khổng lồ.
Có năm người thợ mộc
Lúc ấy ra bờ sông.
Con cá nói với họ:
“Nếu các ông đói lòng,
Hãy lấy dao, lấy búa
Xẻ thịt tôi mà ăn.
Nhớ gọi thêm người khác,
Gọi cả xa, cả gần.
Sau này tôi thành Phật,
Các ông sẽ là người
Đầu tiên được giác ngộ,
Cứu mình và cứu đời.”
Năm người kia lập tức
Xẻo một miếng thật to
Từ lưng con cá ấy,
Nướng lên ăn kỳ no.
Sau đó, dân cả nước,
Suốt mười năm không mưa,
Kéo đến ăn thịt cá,
Chưa hết, vẫn còn thừa.
Đến đây, đức Phật nói:
“Này con, A Nan Đà,
Ông vua ấy nhân ái
Là tiền thân của ta.
Còn năm người thợ mộc
Là nhóm Kiều Trần Như.
Họ là những người tốt,
Trung thực và nhân từ.
Và như ta đã hứa,
Họ là người đầu tiên
Được ta giúp giác ngộ,
Sau thành bậc đại thiền.
Chúng tôi, các đệ tử,
Ca ngợi thầy Thích Ca,
Cúi rất thấp, cáo biệt
Rồi lặng lẽ lui ra.
33
TÁM VẠN BỐN NGÀN CHIẾC THÁP
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Hôm ấy, tôi và Phật,
Vừa sáng, trời đầy sương,
Đi vào thành khất thực
Thấy lũ trẻ bên đường
Đang chơi trò đắp đất,
Xây thành phố, xây nhà,
Xây cả kho chứa thóc
Và cả những tháp ngà.
Một đứa trong bọn chúng
Thấy chân Phật phát quang,
Cúi lạy, lấy mẩu đất
Đem dâng Phật cúng dàng.
Phật cầm mẩu đất ấy
Bảo tôi khi về nhà
Bôi lên thềm phòng ngủ
Của Đức Phật Thích Ca.
Ngài nói: “Cậu bé ấy
Năm trăm năm về sau
Là vua một nước lớn
Rất rộng và rất giàu.
A Du Ca hoàng đế
Là tên cậu bé này.
Các đại thần của cậu
Là lũ trẻ hôm nay.
Chúng chấn hưng Tam Bảo,
Và sẽ xây cho ta
Tám vạn bốn ngàn tháp,
Cao to và nguy nga.
Tôi vui mừng, bạch Phật:
“Các kiếp trước của thầy
Có duyên gì để cậu
Xây nhiều tháp thế này?”
Ngài lại kể câu chuyện,
Rằng thời Phật Phất Sa,
Vô lượng kiếp về trước,
Có một ông vua già.
Ông là vua nước lớn,
Có tên Ba Tắc Kỳ,
Hàng ngày cúng dàng Phật
Không thiếu một thứ gì.
Một hôm vua chợt nghĩ
Phật không riêng của ai,
Nhưng dân các nước nhỏ
Lại không được thấy Ngài.
Nghĩ thế, vua quyết định
Mời thợ vẽ vào cung
Vẽ thật nhiều tranh Phật,
Phân phát cho các vùng.
Thợ vẽ được gặp Phật
Để vẽ lại hình Ngài,
Nhưng vẽ mãi không được,
Ít hoặc nhiều đều sai.
Cuối cùng Phật tự vẽ
Một chân dung của mình.
Các thợ vẽ sau đấy
Sao chép lại thành tranh.
Tám vạn bốn ngàn chiếc
Được vua gửi tận nơi.
Tám vạn bốn ngàn nước.
Phật đến với mọi người.
Chúng sinh mang lễ vật
Thờ cúng trước bức tranh.
Dẫu không phải Phật thật,
Nhưng mang điều tốt lành.
*
Kể xong, Đức Phật nói:
“Này con, A Nan Đà,
Ba Tắc Kỳ ngày ấy
Là tiền kiếp của ta.
Nhờ vẽ các tranh Phật
Mà ta có nhân duyên
Được làm Phật cõi tục
Và Đế Chúa cõi thiên.
Kiếp này đến kiếp khác,
Mỗi lần ta đầu thai,
Đều tám mươi vẻ đẹp
Và tướng tốt - băm hai.
Sau khi ta viên tịch
Để nhập cõi Niết Bàn,
Ta được xây nhiều tháp,
Đúng tám vạn bốn ngàn.
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
34
BẢY HŨ VÀNG
Tôi may mắn chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang tá túc
Trong vườn cây Kỳ Đà.
Lần an cư năm ấy
Phật Thích Ca Mâu Ni
Cho tỳ kheo lựa chọn
Muốn đi đâu thì đi.
Ba tháng sau quay lại,
Tất cả tri ân Ngài.
Phật hỏi thăm chu đáo.
Ai cũng vui như ai.
Ân phước Phật to lớn
Như trời cao, đất dày.
Nhưng trong lời Ngài nói
Tôi nhận thấy hôm nay
Có cái gì khang khác,
Hơi khiêm kính thế nào.
Lấy làm lạ, lễ phép,
Tôi hỏi Ngài vì sao.
*
Ngài kể một câu chuyện,
Rằng cách đây nhiều đời,
Ở nước Ba La Nại
Lặng lẽ sống một người.
Người này rất keo kiệt,
Ăn uống chẳng dám ăn,
Chi tiêu càng không dám,
Cứ tích cóp dần dần.
Cuối cùng ông ta có
Cả một hũ vàng đầy.
Sau khi nhìn thỏa mắt,
Ông chôn dưới gốc cây.
Mấy chục năm sau đó,
Vẫn bóp miệng, ky bo,
Ông có không chỉ một
Mà bảy hũ vàng to.
Không may ông ốm chết,
Chẳng được tiêu một đồng
Trong bảy hũ vàng ấy,
Nên tiếc và đau lòng,
Ông biến thành con rắn
Quanh quẩn bên gốc cây.
Rắn chết thành rắn nữa,
Canh giữ kho báu này.
Cuối cùng nó chợt nghĩ
Chẳng ai cần đến vàng.
Vàng dưới đất, thành đất.
Hay là đem cúng dàng?
Nó ra đường, đón bắt
Một người đi ngang qua,
Kể ý định bố thí
Rồi mời ông vào nhà.
Theo yêu cầu của rắn,
Ông đưa nó cùng đi
Với bảy hũ vàng lớn
Đem cúng trước tăng ni.
Nó nhờ ông làm lễ
Dâng cúng các sư tăng.
Nó thì nhìn lặng lẽ,
Nước mặt trào, lâng lâng.
Bảy hũ vàng của rắn
Được cúng làm việc công,
Dâng lên ngôi Tam Bảo.
Thế là nó yên lòng.
Về sau, con rắn ấy
Được siêu thoát, giải oan,
Lên cõi trời Đại Lợi,
Vĩnh viễn chốn Niết Bàn.
*
Kể đến đây, Đức Phật,
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Người giúp rắn ngày trước
Là tiền kiếp của ta.
Ta đã bị rắn trách
Khi đưa nó lên chùa,
Vì lặng im không nói
Trước những lời trêu đùa.
Giờ ngẫm thấy nó đúng.
Loài vật đáng yêu thay.
Lúc nãy ta khiêm kính
Vì nhớ lại chuyện này.
Còn ông Xá Lợi Phất
Là một trong vô vàn
Kiếp của con rắn ấy,
Nay ở trên Niết Bàn.”
Chúng tôi nghe, thấu hiểu,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
35
SAI MA
Chính tôi được chứng kiến,
Phật Thích Ca Mâu Ni
Khi ở rừng Lâm Trúc,
Thuộc nước La Duyệt Kỳ.
Bấy giờ có người nọ
Thuộc dòng Bà La Môn,
Chăm làm nhưng nghèo kiết,
Không nuôi nổi vợ con.
Chợt anh nghe người nói
Phật có bốn đại hiền,
Là Tôn giả Ca Diếp,
Tôn giả Mục Kiền Liên,
Tôn giả Xá Lợi Phất,
Cuối cùng, người thứ tư -
Tôn giả A Na Luật,
Đại bi và đại từ.
Anh nghe nói các vị
Hay giúp đỡ người nghèo,
Làm đời họ thay đổi,
Ban phước lộc rất nhiều.
Anh chàng này mừng lắm,
Quyết làm thuê kiếm tiền,
Mua các thứ trai, lễ
Dâng cúng bốn đại hiền.
Anh gặp được bốn vị,
Kính trọng nói lời mời.
Dẫu cao sang, thần phép,
Các vị đã nhận lời.
Thọ trai xong, các vị
Liền giảng pháp tại nhà
Cho anh chồng và vợ
Có tên là Sai Ma.
Giảng về ngôi Tam Bảo,
Về thọ trì Tam Quy,
Về Bát Quan Trai Giới
Và bác ái, từ bi.
Vợ chồng nghe, xin hứa
Sẽ nhất mực tuân theo.
Còn bốn đại tôn giả
Trở về với tỳ kheo.
Lại nói vua nước ấy,
Có tên là Bình Sa,
Một hôm đi săn thú,
Trên đường trở về nhà
Thấy một tên tội phạm
Bị trói, treo bên đường.
Hắn đói, xin bố thí,
Vua thấy, động lòng thương,
Hứa cho bánh và nước.
Thế mà ngài lại quên,
Về đến nhà mới nhớ,
Thì trời đã tối đen.
Vua sai lính đưa bánh.
Chúng sợ không dám liều.
Vì nghe nói chỗ ấy
Ma quỉ có rất nhiều.
Cuối cùng vua hứa thưởng
Một nghìn đồng tiền vàng
Cho ai đưa bánh, nước
Giúp người kia trong rừng.
Vợ của người nghèo đói,
Tức là cô Sai Ma
Đã nhận lời đưa bánh
Và nước cho anh ta.
Quả đúng nhiều thú dữ
Và ma quỉ hiện lên.
Nhờ Bát Quan Trai Giới
Nên cô vẫn bình yên.
Sau đó cô nhận thưởng,
Xây ngôi nhà thật to,
Mua ruộng, thuê đầy tớ,
Sống hạnh phúc, vô lo.
Chồng cô, anh nghèo đói
Được vua triệu vào cung,
Cho một chức quan lớn,
Cũng vinh hiển vô cùng.
Vậy là ta đã thấy,
Nhờ một bữa cúng dàng
Mà một nhà nghèo khổ
Được ân phước nghìn vàng.
Một hôm gia đình họ
Sửa lễ trọng cúng trai,
Mời Đức Phật đến dự.
Tôi cũng đi với Ngài.
Cơm xong, Phật thuyết pháp
Về bố thí, sinh thiên,
Về cả phép trì giới,
Và các phép đức, hiền.
Hai vợ chồng chăm chăm chú
Nghe, tâm trí sáng dần,
Như uống nước cam lộ,
Chứng quả Tu Đà Hoàn.
Chúng tôi thấy, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
36
SÀ CA PHÀN
Tôi chứng kiến tận mắt
Cùng rất nhiều tăng ni
Chuyện ở núi Linh Thứu,
Thuộc nước La Duyệt Kỳ.
Hôm ấy Đức Phật kể
Cho tôi và nhiều người
Một câu chuyện kỳ lạ,
Loại hiếm có trên đời.
Chuyện kể xưa, nước nọ,
Có một người rất giàu,
Được vua tám vạn nước
Quí trọng như công hầu.
Tiếc là ông có tuổi
Mà chưa có con trai.
Hơn mười năm cầu nguyện,
Bà vợ ông có thai.
Bà sinh được quí tử
Da óng vàng, mắt xanh,
Trán cao, chiếc mũi thẳng,
Đôi mắt sáng long lanh.
Bố mẹ cậu mừng lắm,
Đặt tên Sà Ca Phàn.
Cậu sống trong nhung lụa
Cùng tiếng sáo, tiếng đàn.
Lớn lên, chàng ham học
Lại rất đỗi thông minh,
Học đến đâu, nhớ đấy,
Thuộc lòng mười tám kinh.
Một hôm chàng xin phép
Bố mẹ cho đi chơi,
Về nông thôn thăm thú,
Xem cuộc sống mọi người.
Bố mẹ chàng đồng ý,
Bèn sai sửa lại đường,
Sai dọn dẹp, tẩy uế,
Cắm cờ và thắp hương.
Chàng, cùng đội kèn trống,
Cưỡi đại voi đi đầu.
Một nghìn người cưỡi ngựa
Và cưỡi voi theo sau.
Trông chàng như thiên sứ,
Dân kéo đến rất đông.
Trầm trồ khen, thán phục,
Cả vòng ngoài, vòng trong.
Đi một chốc, chàng thấy
Có mấy người ăn mày,
Rách rưởi và bẩn thỉu,
Chiếc bát nhỏ trên tay.
Hỏi thì chúng liền đáp,
Do thua lỗ, nợ nần,
Đau ốm và đói khổ,
Chúng phải đi xin ăn.
Lần đầu thấy cảnh ấy,
Chàng ngạc nhiên, đăm chiêu,
Không ngờ trong cuộc sống
Người đói khổ còn nhiều.
Lát sau, chàng lại thấy
Năm sáu bác nhà nông
Đang cày cuốc vất vả
Dưới nắng gắt oi nồng.
Giun dế bị xới lật,
Liền bị ếch nhái ăn.
Chim chóc ăn ếch nhái.
Cứ thế rất nhiều lần.
Gần như cùng lúc ấy,
Trong một khu rừng dày
Có nhiều thợ săn bắn
Bắt những con chim này.
Hỏi, thì họ cho biết
Săn bắn là một nghề
Đã giúp nuôi sống họ,
Dẫu vất vả, nặng nề.
Trên một dòng sông rộng
Chàng thấy nhiều dân chài
Đang giăng lưới bắt cá,
Cả tôm tép, ốc trai.
Giờ thì chàng đã hiểu,
Rằng để tự nuôi mình,
Con người phải làm ác,
Sinh linh giết sinh linh.
Đau lòng và thất vọng,
Chàng vội vã quay về,
Nghĩ cách cứu dân chúng
Khỏi số phận nặng nề.
Đến nơi, chàng lập tức
Quì gối, khóc, xin cha
Cho mở các kho thóc
Để phát chẩn gần xa.
Chiều con, ông trưởng giả
Cuối cùng cũng bằng lòng.
Tiếc là thóc chóng hết,
Vì người xin rất đông.
Chàng lại buồn, chợt nghĩ
Rằng chàng phải tự mình
Làm một việc gì đó
Để cứu giúp chúng sinh.
Chàng nghe nói ngoài biển,
Trong vương quốc Long Vương,
Có rất nhiều châu báu
Và vật hiếm khác thường.
Chỉ cần chàng lấy được
Một phần nhỏ mang về
Là đủ để nuôi sống
Toàn dân Diêm Phủ Đề.
Lần nữa chàng cúi lạy
Xin phép được đi xa.
Bố mẹ chàng không chịu,
Chàng nằm ngay giữa nhà,
Một tuần không động đậy,
Cũng chẳng ăn uống gì.
Cuối cùng, sợ con chết,
Họ phải để chàng đi.
Chàng cho đóng thuyền lớn.
Năm trăm người đi theo.
Rồi đồng lòng, xuất phát,
Bất chấp mọi hiểm nghèo.
Mấy ngày sau thì gặp
Một bãi cát mênh mông,
Họ ghé nghỉ, bất chợt
Một toán cướp rất đông
Liền kéo đến cướp phá,
Chẳng chừa lại cái gì.
Hôm sau, với thuyền rỗng,
Đoàn người lại ra đi.
Họ đến một hòn đảo
Xinh đẹp và rất giàu.
Ở đấy có trưởng giả
Thuộc vào hàng công hầu.
Ông có cô con gái
Ngoan và đẹp tuyệt trần.
Hơn tám vạn vương tử
Đã đến quì dưới chân.
Nàng vẫn không đồng ý.
Thế mà vừa thấy chàng,
Đã đem lòng yêu mến
Rồi thưa với cha nàng.
Ông trưởng giả vui vẻ
Hào phóng cho chàng vay
Ba vạn lạng vàng tốt
Và thức ăn nhiều ngày.
Với điều kiện chàng hứa
Lúc quay về, thành công,
Chàng sẽ trả món nợ
Và cưới con gái ông.
Chàng đồng ý, lập tức
Cho đóng thêm nhiều thuyền,
Bảy lớp dày, vững chắc,
Sẵn sàng đợi triều lên.
Nhờ thuyền tốt, gió thuận,
Thuyền lướt nhanh, nhẹ nhàng.
Họ đến một hòn đảo
Đầy ngọc quí, bạc vàng.
Đó là một kho báu
Đầy ắp và vắng người.
Không biết ai là chủ,
Đã tồn tại bao đời.
Các thủy thủ thỏa thích
Chất lên thuyền của mình
Nhiều bao tải vàng bạc
Và kim cương lung linh.
Khi mọi người chuẩn bị
Lên thuyền trở về quê
Thì bất ngờ chàng nói
Chàng ở lại không về.
Vì chàng muốn nhân tiện
Tìm cách gặp Long Vương
Để xin nhẫn Như Ý
Có phép lạ phi thường.
Các thủy thủ phản đối,
Nhưng chẳng biết làm gì.
Cuối cùng chàng ở lại,
Thuyền giăng buồm, quay đi.
Chàng chắp tay niệm Phật,
Cúi đầu lạy bốn phương,
Cầu xin Phật phù trợ
Giúp tìm được Long Vương.
Và nhờ phép mầu nhiệm
Của Đức Phật toàn năng,
Chàng bước đi trên nước
Như đi giữa đất bằng.
Chàng một mình, cứ bước,
Gặp rất nhiều gian nguy.
Cảm hóa nhiều thú dữ
Chàng gặp dọc đường đi.
Rồi chàng được vua quỉ
Có pháp thuật phi thường
Đưa đi trong nháy mắt
Đến lâu đài Long Vương.
Lần nữa chàng cảm hóa
Đôi rồng canh lâu đài,
Vào sâu trong cung cấm,
Nơi vua ngồi trên ngai.
Vua Long Vương mừng rỡ,
Đón chàng rất thân tình.
Ngài còn hào phóng hứa
Cho viên ngọc của mình.
Tuy nhiên, trong một tháng
Chàng phải giảng ngài nghe
Về giáo lý đạo Phật
Và chuyện Diêm Phủ Đề.
Ngoài ra, ngài còn muốn
Thành đệ tử sau này
Khi chàng trở thành Phật,
Để theo chàng đêm ngày.
Chàng vui vẻ đồng ý.
Rồi một tháng trôi qua,
Viên ngọc thần Như Ý
Giúp chàng trở về nhà.
Nhớ lời hẹn ngày trước,
Trên đường bay trở về,
Chàng ghé xuống hòn đảo
Của ông Ca Tỳ Lê.
Ông nhận lại tiền nợ,
Trao con gái cho chàng
Cùng năm trăm trinh nữ
Đi theo để hầu nàng.
Và rồi, trong nháy mắt,
Chàng về đến quê nhà,
Bố mẹ chàng đau khổ,
Khóc con, thành mù lòa.
Nhờ ngọc thần Như Ý,
Đôi mắt của hai người
Lại sáng, còn hơn trước,
Nhìn rõ tận chân trời.
Đúng bảy ngày sau đó,
Chàng dâng ngọc, đăng đàn,
Cầu mưa hòa gió thuận
Và quốc thái, dân an.
Chàng rũ tóc, phát nguyện:
“Nếu đúng là ngọc thần,
Xin hãy mưa lương thực
Và vàng bạc cho dân!”
Dứt lời, trời chao đảo,
Sấm dọc rồi chớp ngang.
Từ trên trời rơi xuống
Một trận mưa bạc vàng.
Mưa một ngày chưa dứt.
Toàn dân Diêm Phủ Đề
Cứ ra nhặt thỏa thích
Rồi gồng gánh mang về.
Từ đó họ no đủ,
Không còn lo cái ăn.
Không còn làm điều ác,
Chỉ tu dưỡng tinh thần.
*
Kể xong, Đức Phật nói
Với tôi, A Nan Đà:
“Chàng trai đi tìm ngọc
Là tiền thân của ta.
Còn ông Xá Lợi Phất
Chính là vua Long Vương,
Một con người nhân đức
Và trung tín lạ thường.
Chúng tôi nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
37
TRÍ NHỚ CỦA A NAN ĐÀ
Hồi ấy ở Xá Vệ,
Trong vườn cây Kỳ Đà,
Chúng tôi cùng tá túc
Với Đức Phật Thích Ca.
Các chư tăng, đệ tử
Thường cho tôi là người
Có trí nhớ rất tốt,
Nên ngợi khen hết lời.
Họ bèn hỏi Đức Phật,
Kiếp trước tôi làm gì
Mà giờ thông minh thế,
Uyên bác chẳng ai bì.
Đức Phật kể câu chuyện,
Rằng ngày xưa, lâu rồi
Có một nhà sư nọ
Nuôi chú tiểu không tồi.
Nhưng ông này nghiêm khắc,
Bắt tụng kinh hàng ngày
Đúng giờ, đúng thời lượng,
Không, sẽ bị ông rầy.
Cái khó là chú tiểu
Phải khất thực hàng ngày.
Có hôm được, về sớm.
Cũng có hôm trắng tay.
Nên nhiều hôm chú đói,
Vì phải về đúng giờ.
Không về sẽ bị mắng,
Chú khóc, buồn ủ ê.
Lần nọ, một trưởng giả
Hỏi chú có chuyện gì
Mà buồn rầu, phải khóc.
Ta sẽ giúp, nói đi.
Chú đem chuyện ấy nói.
Ông bảo chú thế này:
“Tụng kinh phải đúng lúc.
Ta giúp chú - từ nay
Không phải lo ăn uống,
Để lo việc tụng kinh
Đúng giờ, đúng thời lượng.
Sư cụ khỏi bực mình.”
Và thế là từ đấy
Chú tiểu cứ đều đều
Tụng kinh rất chăm chỉ,
Được sư già thương yêu.
*
Kể đến đây, Phật nói:
“Sư là Phật Định Quang.
Còn ta là chú tiểu.
Ông trưởng giả cúng dàng,
Người biết lo chu đáo,
Chính là A Nan Đà.
Ông là người thông tuệ,
Nhớ hết lời của ta”
Chúng tôi nghe, hoan hỉ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
38
CÁ TRĂM ĐẦU
Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài ở Vườn Trúc
Của nước Ma Kiệt Đà.
Đức Thế Tôn ngày nọ,
Cùng đệ tử ra đi
Khất thực tận một nước
Có tên Tỳ Xá Ly.
Trên bờ sông Lê Việt,
Ngài ngồi cùng tỳ kheo,
Thưởng thức chút hơi mát
Giữa nắng nóng buổi chiều.
Quanh chúng tôi lúc ấy
Năm trăm người chăn trâu,
Năm trăm người đánh cá,
Đang kéo lưới bên cầu.
Năm trăm người kéo lưới,
Kéo mãi vẫn không lên.
Họ phải nhờ mấy bác
Đang chăn trâu kề bên.
Cuối cùng họ kéo được
Một con cá khổng lồ
Có trăm cái đầu thú
Như hổ, lợn, trâu, bò…
Mọi người thấy cá lạ,
Tranh nhau xem, ồn ào.
Phật dẫn các đệ tử
Đến xem thử thế nào.
Khi thấy con cá ấy,
Trăm chiếc đầu, Thích Ca
Bèn lên tiếng hỏi nó:
“Ca Tỳ Lê đấy à?”
“Thưa vâng,” con cá đáp.
“Kiếp sau ngươi làm gì?”
“Kiếp sau con phải sống
Dưới địa ngục A Tỳ.”
Nghe cá đáp, thấy lạ,
Chính tôi, A Nan Đà,
Muốn biết rõ sự việc,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
Phật nói, nhiều kiếp trước,
Có ông Bà La Môn,
Thời Đức Phật Ca Diếp.
Ông này có anh con
Khá thông minh, tài giỏi,
Nhưng ngạo mạn, hợm mình.
Tranh luận với người khác,
Thường tỏ ý coi khinh.
Không ít lần hỗn láo,
Cậu gọi các sa-môn
Bằng tên các loài vật,
Đủ các loài, các con.
Đến đây, Đức Phật nói:
“Các đệ tử lắng nghe.
Con người phạm thượng ấy
Chính là Ca Tỳ Lê.
Vì sự hỗn láo đó
Mà nhiều kiếp xưa nay
Anh ta bị nghiệp chướng
Thành con cá thế này.”
Tiếp đến, Ngài giảng pháp.
Năm trăm người chăn trâu,
Năm trăm người đánh cá,
Nghe, sáng láng trong đầu.
Rồi cả nghìn người ấy
Quì trước Phật Thích Ca,
Muốn qui y theo Phật,
Mong sớm được xuất gia.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”
Lập tức thành phật tử,
Họ cùng đi theo Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét