Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Châm ngôn



LƯƠNG THIỆN

Khi ta sống lương thiện,
Có lý và có tình,
Tức là ta thực sự
Đã là người thông minh.

Thông minh vì sáng suốt
Nhận biết đủ và thừa,
Làm thiện, không làm ác,
Không ghen tị, ganh đua.

Chưa hẳn là lương thiện
Một người giỏi, thông minh.
Nhưng người sống lương thiện
Luôn là người thông minh.

Khi ta sống lương thiện,
Lòng ta sẽ thảnh thơi.
Biết buông bỏ oán giận,
Tích phước cho nhiều đời.

Suốt ngày ta vất vả
Lo chạy ngược chạy xuôi,
Kiếm tiền, kiếm hạnh phúc.
Khi có tiền, than ôi,

Ta vẫn thấy bất hạnh
Vì chưa hiểu một điều,
Rằng hạnh phúc không ở
Tiền ít hay tiền nhiều.

Biết lương thiện, sống tốt
Với những người xung quanh
Là món quà Thượng Đế
Ân ban cho người lành.

Tóm lại, sống lương thiện
Là trí tuệ tuyệt vời,
Là đạo đức, phẩm hạnh
Với chúng ta, con người.



TẢN MẠN VỀ LÒNG TỐT

Ở đời này sống tốt
Chưa hẳn đã là hay.
Tốt hơn, nên sống đúng.
Hãy ghi nhớ điều này.

*
Không ít người thành đạt
Xưa nghèo đói, thiếu ăn
Từng nhận quà từ thiện,
Hậu hĩnh và nhiều lần.

Lớn lên, thi đại học,
Họ được tình nguyện viên
Giúp đi lại, ăn ở,
Thậm chí cho cả tiền.

Lạ, thành người giàu có,
Có học và “có lòng”,
Họ không nhớ gì hết,
Không cho ai một đồng.

*
Thường thì người nghèo đói
Khi nhận quà, nhận tiền,
Coi việc người khác giúp
Như một sự đương nhiên.

Hơn thế, họ chờ đợi
Được giúp đỡ lần sau.
Và họ sẽ trách bạn
Nếu không đến lần sau.

*
Bình thường nói chuyện nghĩa,
Ai cũng là thánh nhân.
Khi đụng đến tiền bạc,
Chuyện mới vỡ ra dần.

*
Thường người nào to tiếng
Về tình thương, tình yêu,
Rất ít làm từ thiện.
Dẫu có tiền, có nhiều.

*
Mục “Việc Làm Tử Tế”
Hàng ngày trên ti-vi
Phần lớn người lớn tuổi
Và chẳng giàu có gì.

Lặng lẽ làm từ thiện,
Có khi suốt cả đời.
Những tấm lòng nhân ái
Biết sống vì mọi người.

*
Tự nhiên ngồi đực mặt:
Trong trận lụt vừa rồi,
Nam nghìn fan yêu nước
Trên Facebook của tôi,

Bao nhiêu người ủng hộ,
Dẫu vài trăm nghìn đồng?
Hay chỉ ủng hộ miệng,
Còn gửi tiền thì không?

Đây là việc thiện nguyện,
Không ai bắt, tất nhiên.
Đừng nói tôi muốn giúp,
Rất tiếc không có tiền.


CAO NHÂN

Tả Tông Đường là tướng
Đời Nhà Thanh - ông này
Không chỉ giỏi đánh giặc,
Mà giỏi cả cờ vây.

Lần nọ, ông cải dạng
Ra ngoài thành ngắm hoa,
Trước khi dẫn quân đội
Lên đường chinh chiến xa.

Đi ngang một nhà nọ,
Thấy tấm biển trên cao:
“Đây Đệ Nhất Kỳ Thủ.
Ai muốn thử, mời vào”.

Tả Tông Đường xuống ngựa,
Vào chơi với chủ nhà.
Bày cờ, đánh ba ván.
Ông đều thắng cả ba.

“Bác chơi cờ rất khá.
Nhất thiên hạ thì không.
Nên bỏ tấm biển xuống
Kẻo lòng thẹn với lòng”.

Lần ấy đi chinh phạt,
Rất thảnh thơi, vô lo,
Gặp nhân hòa, địa lợi,
Quân ông đã thắng to.

Quay về kinh, nhàn rỗi,
Ông lại ra ngoại thành.
Lạ, vẫn thấy tấm biển
Treo trước cửa nhà tranh.

Hơi khó chịu, xuống ngựa,
Vào chơi với chủ nhà.
Chơi liên tục ba ván.
Ông đều thua cả ba.

“Sao chơi cờ lần trước
Tôi thắng bác dễ dàng?”
Chủ nhà cúi rất thấp
Cung kính đáp khẽ khàng:

“Bẩm, chơi cờ lần trước,
Tôi nhận ra tướng quân.
Chủ ý để ngài thắng
Vì việc ấy rất cần.

Ngài cần phải phấn khích,
Và thư thái trong lòng
Để lên đường chinh phạt,
Chiến thắng và lập công.

Tôi, lão già sắp chết,
Ngu dốt và quê mùa,
Không phải gánh trọng trách,
Quan trọng gì thắng thua”.

*
Cao nhân là những bậc
Đặt lợi ích nước nhà
Cao hơn sự hiếu thắng,
Danh vọng và phù hoa.

Dẫu giỏi nhưng chịu nhục,
Để thua những ba lần,
Ông - Đệ Nhất Kỳ Thủ
Và “Đệ Nhất Cao Nhân.


VỪA UỐNG TRÀ VỪA NGẪM SỰ ĐỜI

*
Đời là một cuộc chiến
Để tồn tại, mưu sinh.
Và chiến thắng lớn nhất
Là chiến thắng chính mình.

*
Không thể lấy thù hận
Để chống lại hận thù.
Chỉ tình yêu có thể
Hóa giải được hận thù.

*
Không hẳn có trí tuệ
Người nói đẹp, nói hay.
Không hẳn là chó tốt
Nếu chỉ sủa suốt ngày.

*
Không nuối tiếc quá khứ,
Không ảo vọng tương ai.
Hãy sống bằng hiện tại,
Không lo nghĩ ngày mai.

*
Nói, phải nói sự thật,
Nhưng bằng tình thương yêu.
Trọng lượng của lời nói
Không nằm ở nói nhiều.

*
Khi đi đường, có bạn
Sẽ thấy vui và nhanh.
Nhưng không ai có thể
Đi hộ đường cho anh.

*
Thực ra cho là nhận.
Mất mà chẳng mất gì.
Sớm muộn sẽ quay lại
Cái ta đã cho đi.

*
Ngọn nến vẫn cháy sáng
Khi chia lửa của mình.
Con người vẫn hạnh phúc
Khi chia hạnh phúc mình.

*
Hãy dịu dàng với trẻ,
Thông cảm với người già,
Bao dung người lầm lỗi,
Tha thứ người xấu xa.

Hãy mở lòng nhân ái
Với tất cả chúng sinh.
Vì ai cũng phải gánh
Phần khổ riêng của mình.

*
Khi không còn sợ hãi,
Ta an lạc, vô lo.
Thoát được sự lệ thuộc,
Ta hoàn toàn tự do.

*
Chỉ tin vào những cái
Đã suy nghĩ kỹ càng
Thấy hợp lý và đúng.
Không hấp tấp, vội vàng.

Chớ vội tin những cái
Vì nhiều người đã tin.
Càng không tin những cái
Người khác bắt mình tin.

Thậm chí cả những cái
Được mọi người tôn thờ
Chưa suy nghĩ, kiểm chứng,
Đừng vội tin, hãy chờ.

*
Chính cách ta suy nghĩ
Sẽ làm nên đời ta.
Đức hạnh hay tội lỗi
Cũng từ đó mà ra.

*
Trên đời có ba cái
Có thể bị che mờ
Nhưng không bao giờ tắt,
Không tự mất bao giờ.

Đó chính là Chân Lý.
Mặt Trăng và Mặt Trời.
Và cả ba cái ấy
Luôn tồn tại suốt đời.

*
Hiểu mình mới là Trí.
Biết người chỉ là Khôn.
Khôn cũng cần, hẳn thế.
Nhưng Trí cần hơn Khôn.

*
Ngọn nến thiếu mồi lửa,
Không thể cháy lung linh.
Ta không thể thông tuệ
Khi thiếu người dạy mình.

*
Yêu, Sống và Buông Xả -
Ba chân của chiếc Kiềng.
Thiếu một chân sẽ đổ.
Kiềng không còn là Kiềng.

Yêu, phải yêu chân thật.
Sống, trọn vẹn, bao dung.
Buông bỏ phải dứt khoát,
Phải đi đến tận cùng.

*
Trời vốn không thiên vị,
Không phân biệt Đông - Tây.
Chỉ con người đố kỵ
Nghĩ ra khái niệm này.

*
Ai đó tốt, thành đạt,
Hoặc giàu mà mình nghèo,
Thay cho việc ghen tị,
Hãy cố gắng học theo.

*
Không có ai xứng đáng
Để ta sống chí tình,
Yêu thương và tôn trọng
Hơn chính bản thân mình.


VÔ MINH

Thường thì người ngu dốt
Không hiểu rõ chính mình,
Không nhận ra phải trái
Vì tâm thức vô minh.

Vì vô minh nên họ
Không chịu nghe lời ai,
Làm theo cách mình muốn,
Bất chấp đúng hay sai.

Do vậy, đáng sợ nhất
Chính là người vô minh.
Vì ngu dốt, ở họ
Không cả lý, cả tình.


ĐỜI

Đời nhiều cảnh oan trái
Đập vào mắt hàng ngày.
Dẫu muốn, ta không thể
Thay đổi cuộc đời này.

Cái có thể thay đổi
Là cách nhìn của mình.
Hãy nhìn đời ưu ái,
Có tâm và có tình.

Đời nhiều âm thanh tạp,
Phũ phàng và chối tai.
Ta không thể thay đổi,
Cả hôm nay, cả mai.

Duy nhất chỉ một cách -
Âm thanh chống âm thanh.
Hãy lắng nghe lời Phật
Và những lời tốt lành.

Đời có nhiều người xấu
Luôn rình rập hại ta.
Không làm gì được họ
Thì hãy cố lánh xa.

Bảo vệ ta tốt nhất
Là cây cỏ, thiên nhiên,
Hơi ấm và ánh sáng
Của thế giới người hiền.

Cuộc đời là như thế,
Luôn vẫn thế xưa nay.
Muốn cải tạo được nó,
Hãy sống tốt hàng ngày.

Châm Ngôn


CHÍN PHẦN VÀ MỘT PHẦN

Không quan trọng, giàu có,
Anh mua dược vi-la.
Thậm chí vi-la khủng,
Lộng lẫy và xa hoa.

Quan trọng - trong nhà ấy,
Trong ngôi nhà của anh
Vợ chồng luôn hòa thuận,
Con ngoan, chăm học hành.

Không quan trọng, tài giỏi,
Anh kiếm tiền, kiếm nhiều.
Quan trọng - làm việc thiện,
Anh cho đi bao nhiêu.

Không quan trọng cả việc
Anh có tỉ tỉ đồng.
Quan trọng - anh có thấy
Lòng mình thanh thản không.

Quan trọng - biết chơi nhạc
Và thông thạo tiếng anh.
Yêu thiên nhiên, đọc sách.
Đặc biệt, có tâm lành.

Để làm nên hạnh phúc,
Cứ cho là mười phần,
Thì chín phần trong đó
Phụ thuộc vào tinh thần.

Ai cũng biết điều ấy.
Ai cũng nói rất hay.
Nhưng ít người thực sự
Hiểu, làm được điều này.


ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN ĐẠO

Một - SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

Phật Giáo được du nhập
Vào Việt Nam nước ta
Trực tiếp từ Ấn Độ,
Khoảng thế kỷ thứ ba (trước CN).

Từ Buddha, tiếng Phạn -
Bậc Giác Ngộ Tối Cao,
Lúc ấy dịch thành Bụt,
Trong cổ tích, đồng dao.

Do ảnh hưởng Trung Quốc,
Về sau từ Buddha
Gọi là Phật, Đức Phật,
Phật Đồ hoặc Phật Đà.

Tương truyền Chử Đồng Tử
Học đạo nhiều năm liền
Một nhà sư Ấn Độ
Thời kỳ đầu Công Nguyên.

Thủ phủ quận Giao Chỉ
Ngày ấy là Luy Lâu,
Thành trung tâm Phật Giáo,
Ở Bắc Ninh, Chùa Dâu.

Chùa còn lưu truyền thuyết
Về sư Khâu Đà La,
Về Man Nương Phật Mẫu
Và Thạch Quang Phật Đà.

Đạo Phật được phổ biến,
Gần như khắp toàn dân
Vào thời điểm cực thịnh,
Đời nhà Lý, nhà Trần.

Nhưng sau đó Nho Giáo
Lại lấn lướt mọi bề.
Phật Giáo bị o ép,
Suy thoái thời Hậu Lê.

Cuối thế kỷ mười chín
Phật Giáo mới bắt đầu
Được chấn hưng trở lại
Từ trung tâm Chùa Dâu.

Theo số liệu chính thức,
Hiện có bảy triệu người
Là tín đồ Phật Giáo,
Sống nửa đạo nửa đời.

Hai - THIỀN TÔNG

Đầu thế kỷ thứ sáu,
Sư Bồ Đề Đạt Ma,
Vốn gốc người Ấn Độ,
Thành lập ở Trung Hoa

Một tông phái Phật Giáo
Được gọi là phái Thiền
Thiền là Tâm tĩnh tại.
Tiếng Hán gọi là Zen.

Theo Thiền Tông, Phật tử
Phải dành nhiều thời gian
Ngồi định thiền, bất động
Để chứng Phật Niết Bàn.

Cuối thế kỷ thứ sáu,
Tỳ Ni Đa Lưu Chi,
Nhà sư gốc Ấn Độ
Đến làm sư trụ trì

Một chùa ở Giao Chỉ,
Là Chùa Dâu hiện nay.
Chính ông đã thành lập
Thiền Tông Việt ở đây.

Dòng Thiền Tông thứ nhất
Vậy là đã ra đời,
Hình thành và phát triển
Liên tục mười chín đời.

Đầu thế kỷ thứ chín,
Thiền sư Võ Ngôn Thông,
Cũng là người Trung Quốc,
Lập thêm một Thiền Tông.

Trung tâm tông phái ấy
Vốn là chùa Kiến Sơ
Trên đất xã Phù Đổng,
Huyện Gia Lâm bây giờ.

Dòng Thiền Tông kế tiếp,
Tức là dòng thứ ba,
Do một người Trung Quốc
Là Thảo Đường lập ra.

Thảo Đường vốn là tướng
Bị bắt ở Chăm-pa,
Được vua Trần giải cứu
Nhưng không về Trung Hoa,

Mà xin được ở lại
Để khất thực hàng ngày,
Rồi trụ trì, truyền đạo,
Chùa Trấn Quốc, Hồ Tây.

Năm Một Hai Chín Chín,
Đức vua Trần Nhân Tông,
Cùng Tuệ Trung Thượng Sĩ,
Đã từ bỏ ngai rồng

Lên tu núi Yên Tử,
Và chỉ trong mấy năm
Tập hợp các Thiền Phái,
Lập Thiền Phái Trúc Lâm.

Thiền Phái Trúc Lâm ấy
Đánh dấu một mốc vàng
Trong Phật Giáo dân tộc,
Với vua là Phật Hoàng.


Ba - TỊNH ĐỘ TÔNG

Tịnh Độ Tông là phái
Thịnh hành ở nước ta,
Tu dựa trên tha lực
Của Phật A-di-đà.

Có một nơi tách biệt,
Xa thế giới con người,
Là Thế Giới Cực Lạc,
Bất tử và chói ngời.

Đây là chốn thanh tịnh,
Phong cảnh đẹp bốn mùa.
Mọi người tích đức phước
Bằng hành lễ nhà chùa.

Vì là nơi cực lạc,
Không ai phải khổ đau
Vì luân hồi, chuyển kiếp,
Hạnh phúc sống bên nhau.

Để đến được nơi ấy,
Đầy ánh sáng và hoa
Phật tử luôn tụng niệm
Nam Mô A-di-đà.


Bốn - ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA

Đại Thừa, âm Hán - Việt
Là Ma Ha Diễn Na,
Bắt nguồn từ tiếng Phạn
Ma-ha-y-a-na.

Đại, ta biết, là lớn.
Thừa nghĩa là bánh xe.
Tức là Bánh Xe Lớn
Chở Đạo Phật đi về.

Tiểu Thừa, theo tiếng Phạn,
Hy-na-y-a-na,
Tức là Bánh Xe Nhỏ,
Truyền thừa đạo Thích ca.

Cả hai, Đại và Tiểu,
Đều có chung một nguồn
Từ người khởi xướng Đạo,
Là Phật, Đức Thế Tôn.

Sự khác nhau chủ yếu
Chỉ ở cách thực hành
Các giáo pháp Đạo Phật
Và ở cách xưng danh.

Nhật, Việt Nam, Trung Quốc
Thuộc về dòng Đại Thừa.
Miến Điện, Miên, Lào, Thái
Lại theo dòng Tiểu Thừa.

Chùa Đại Thừa mái ngói,
Luôn cổ kính, rêu phong.
Chùa Tiểu Thừa mái nhọn
Thường được mạ vàng ròng.

Áo vàng và khất thực
Chỉ là sư Tiểu thừa.
Áo nâu, không khất thực
Thường là sư Đại thừa.

Đáng tiếc, vẫn âm ỉ
Mối bất hòa từ xưa
Giữa hai phái Đạo Phật,
Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Cái tên Đại và Tiểu
Dễ hiểu lầm, mất lòng
Nên người ta còn gọi
Là Bắc Tông, Nam Tông.


Năm - QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Bồ Tát - là viết tắt
Phát âm sang tiếng ta,
Chữ Bồ Đề Tát Đóa.
Gốc - Bodhisatva.

Bồ Tát là những bậc
Trí huệ và từ bi,
Giúp chúng sinh giác ngộ,
Thoát vòng Tham Sân Si.

*
Quán Thế Âm Bồ Tát,
Avalokitesvara,
Một vị Đại Bồ Tát,
Chỉ sau Phật Thích Ca.

Quán thế âm, tiếng Hán,
Là thấu mọi âm thanh,
Để nghe, hiểu, an ủi
Và cứu độ chúng sinh.

Ở Việt Nam, Trung Quốc,
Cũng có thể do nhầm,
Ngài được gọi cách khác,
Ngắn gọn là Quan Âm.

Ngài là vị Bồ Tát
Của tấm lòng vị tha,
Với trăm tay nghìn mắt,
Ngự ở cõi Ta Bà.

Ngài linh hiển, xuất hiện
Dưới dạng một Phật Bà
Ở thế đứng, nhìn xuống,
Hoặc ngự trên đóa hoa.

Tay trái Ngài đôi lúc
Cầm lọ nước Cam Lồ
Để rót xuống cõi thế
Giúp loài người ấm no.

Sáu - MƯỜI HAI LỜI NGUYỆN CỦA
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

1
Quán Thế Âm Bồ Tát
Là ta, từ hôm nay,
Ta nguyện nghe, thấu hiểu
Cứu giúp cõi đời này.

2
Ta nguyện phát tâm thiện,
Có mặt ở Biển Đông,
Cứu giúp người đi biển
Trong bão táp, mưa dông.

3
Chúng sinh đang chìm đắm
Trong đau khổ triền miên.
Ta nguyện, nghe tiếng họ,
Sẽ hạ giới, ngồi bên.

4
Đời còn nhiều yêu quái,
Gây lắm trò nhiễu nhương.
Ta nguyện giác ngộ chúng,
Không làm hại dân thường.

5
Ta nguyện sẽ thấu hiểu
Để tưới nước Cam Lồ
Cho chúng sinh, vạn vật
Tươi mát và ấm no.

6
Ta nguyện không ngưng nghỉ
Phát Tâm Bồ Đề Thiền
Để thương yêu tất cả,
Không phân biệt sang hèn.

7
Dưới chín tầng địa ngục
Bị đầy đọa nhiều người.
Ta nguyện sẽ cứu họ
Sớm trở lại cõi đời.

8
Nhiều người bị giam giữ,
Tù gông, chết mỏi mòn.
Ta nguyện sẽ cứu họ,
Cả thể xác, tâm hồn.

9
Phép tu hành vất vả,
Thuyền Bát Nhã gian nan,
Ta nguyện giúp Phật Tử
Cập được bến Niết Bàn.

10
Ta nguyện đưa Phật Tử
Trong tiếng nhạc và hoa
Tới Tây Phương Cực Lạc
Của Phật A Di Đà.

11
Ta nguyện nhắc Phật Tử
Muốn đến được Tây Phương
Phải tinh tấn tụng niệm
Trong cuộc sống đời thường.

12
Mười hai lời Đại Nguyện
Được phát từ tâm ta.
Ta nguyện sẽ thực hiện
Ở cõi đời Ta Bà.


Bảy - ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

Địa Tạng Vương Bồ Tát
Là vị Bồ Tát Vương
Được tôn thờ chủ yếu
Ở Phật Giáo Đông Phương.

Ngài, theo các Kinh Phật
Chính là Mục Kiền Liên,
Một “Thập Đại Đệ Tử”
Của Thích Ca Đại Thiền.

Ngài đã từng phát nguyện
Cứu độ các chúng sinh
Bị đày dưới Địa Ngục,
Còn gọi chốn U Minh.

Hơn thế, Ngài còn nguyện
Không đắc đạo một khi
Còn người bị đày đọa
Dưới Địa Ngục, âm ty.

Trong văn hóa Nhật Bản,
Bồ Tát Địa Tạng Vương
Còn là thần bảo trợ
Những đứa trẻ đáng thương

Bị đau ốm, bệnh tật,
Hoặc chết trong bào thai.
Tất cả trẻ, lớn nhỏ,
Bình an trong tay Ngài.

Ngài thường được miêu tả
Dưới dạng một nhà sư
Đầu trọc có vầng sáng,
Khuôn mặt đẹp, nhân từ.

Một tay cầm tích trượng
Để mở cửa cõi âm.
Tay kia - Ngọc Như Ý
Phát sáng, xua tối tăm.


Tám - SỰ TÍCH LỄ VU LAN

Theo truyền thuyết nhà Phật,
Bà mẹ Mục Kiền Liên
Là người không mộ đạo,
Báng bổ cả người hiền.

Bà không tin Đức Phật,
Không tin cả Pháp, Tăng.
Tam Bảo và Ngũ Giới,
Bà cho là nhố nhăng.

Nên bà, sau khi chết,
Vì tội lỗi của mình,
Bị đày xuống địa ngục,
Chịu bao nỗi cực hình.

Về sau thành La Hán,
Tôn giả Mục Kiền Liên,
Đạt lục thông, ngũ nhãn,
Nhìn thấu hết mọi miền.

Ông thấy mẹ đang đói
Dưới địa ngục âm u,
Bát cơm ăn chẳng có,
Bị đói khát, cầm tù.

Ngay lập tức tôn giả
Liền mở phép thần thông,
Lần xuống đáy địa ngục,
Đưa cơm cho mẹ ông.

Bà này khi còn sống
Từng tranh ăn với con,
Bây giờ xuống địa ngục
Thói xấu ấy vẫn còn.

Bà vội lấy vạt áo
Che bát cơm to đầy,
Định lẻn đi ăn mảnh
Một mình sau gốc cây.

Nhưng vừa đưa lên miệng,
Bát cơm ấy, than ôi
Đã biến thành cục lửa,
Cháy hết răng và môi.

Vốn là người hiếu thảo,
Lại đệ nhất thần thông,
Mà tôn giả bất lực,
Không giúp được mẹ ông.

Ông quay về Tịnh Xá
Tìm gặp Phật Thích Ca,
Nhờ Ngài chỉ giùm cách
Cứu giúp bà mẹ già.

Đức Phật nghe rồi đáp:
“Mẹ ngươi quá lỗi lầm,
Nên ngươi không thể cứu.
Chờ tháng Bảy, ngày Rằm,

Ngày chư Phật hoan hỷ,
Hãy làm lễ Vu Lan.
Mời chư tăng đến dự,
Mâm cỗ phải đầy bàn.

Trước hết cúng Tam Bảo,
Rồi sau mời mọi người.
Họ ăn xong, hy vọng
Sẽ cứu được mẹ ngươi.”

Ngay lập tức tôn giả
Đúng theo lời Thích Ca,
Làm lễ Vu Lan lớn,
Cứu được người mẹ già.

Và mọi người từ đấy,
Vào ngày này hàng năm,
Tổ chức lễ xá tội
Cho tổ tiên lỗi lầm.

Về sau, chính tôn giả
Đã tự nguyện thành người
Trông coi chuyện âm phủ
Đầy oan trái sự đời.

Khi làm lễ xá tội
Cho tổ tiên lầm đường,
Người ta cúng tôn giả
Và Bồ Tát Địa Vương.